Nga cắt giảm sản lượng dầu mạnh hơn dự tính

Trong tháng 3, Nga đã giảm sản lượng dầu thô đến 700.000 thùng/ngày.

Chú thích ảnh
Một cơ sở khai thác dầu của Nga. Ảnh: TASS/TTXVN

Thông tin này do một nhân vật nắm được số liệu của Bộ Năng lượng Nga cung cấp với hãng tin Bloomberg.

Hồi tháng 2, Nga đã lên tiếng cảnh báo rằng họ sẽ cắt giảm sản lượng dầu thô ở mức 500.000 thùng/ngày. Tại thời điểm đó, Phó Thủ tướng Alexander Novak lý giải nguyên nhân giảm sản lượng là do lệnh cấm nhập khẩu của EU và trần giá đối với các sản phẩm của quốc gia này.

Ban đầu, ông Novak cho biết việc cắt giảm sẽ chỉ áp dụng cho tháng 3. Nhưng sau đó, ông lại thông báo quyết định giảm sản lượng sẽ được gia hạn.

Nga khẳng định xuất khẩu dầu thô và nhiên liệu của họ đã được chuyển hướng hoàn toàn vào cuối tháng 3, với xuất khẩu dầu thô bằng đường biển giảm 123.000 thùng/ngày, nhưng vẫn ở mức trên 3 triệu thùng/ngày. 

Theo dữ liệu theo dõi tàu chở dầu của Bloomberg, trong khi hoạt động xuất khẩu vẫn mạnh, Moskva cắt giảm sản lượng cao hơn đáng kể so với cam kết.

Ban đầu, Nga hứa sẽ cắt giảm 500.000 thùng/ngày trong tháng 2 làm cơ sở, khiến tổng sản lượng còn là 10,1 triệu thùng/ngày. Nhưng theo nguồn tin của Bloomberg, dữ liệu của Bộ Năng lượng cho thấy Nga đã sản xuất trung bình 1,285 triệu tấn dầu thô mỗi ngày trong tháng 3, tương đương 9,4 triệu thùng không có khí ngưng tụ, hoặc 10,36 triệu thùng/ngày có khí ngưng tụ. Sản lượng tháng 2 của Nga, bao gồm cả khí ngưng tụ, đạt 11,1 triệu thùng/ngày.

Năm 2021, sản lượng dầu và khí ngưng tụ của Nga đạt 10,5 triệu thùng/ngày.

Điều này có nghĩa là Nga đã cắt giảm từ 700.000 thùng/ngày đến 740.000 thùng/ngày – chênh lệch đáng kể so với mức 500.000 thùng/ngày đã nêu.

Nhưng với số liệu xuất khẩu được giữ ở mức ổn định, số liệu sản xuất của Nga lại bị nghi ngờ. Nga đã giữ kín dữ liệu sản xuất dầu của mình từ năm ngoái sau khi phát động chiến dịch ở Ukraine.

Xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt chính là “xương sống” của ngành kinh tế Nga, chiếm hơn 40% doanh thu.

Sau khi Nga bị phương Tây trừng phạt liên quan đến chiến dịch quân sự ở Ukraine, Ấn Độ và Trung Quốc đã trở thành những khách hàng mua dầu mỏ hàng đầu của họ.

Tháng 3, Ấn Độ đã nhập khẩu từ Nga 1,62 triệu thùng mỗi ngày, tương đương 40% tổng lượng dầu nhập khẩu của nước này. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), con số này tăng mạnh từ khoảng 70.000 thùng/ngày tại thời điểm trước khi xung đột ở Ukraine nổ ra. 

Tháng 12/2022, một thành viên Quốc hội Ấn Độ cho biết New Delhi đã tiết kiệm được 3,6 tỷ USD bằng cách nhập khẩu dầu thô giá rẻ từ Nga trong 10 tháng sau khi chiến tranh Nga – Ukraine bùng nổ.

Số tiền tiết kiệm được có thể đã tăng nhiều hơn nữa. Các công ty theo dõi thị trường năng lượng báo cáo rằng Ấn Độ đang mua dầu thô Urals của Nga dưới mức giá trần 60 USD/thùng do Nhóm Các nền công nghiệp phát triển (G7) đưa ra vào tháng 12 năm ngoái.

"Là nước tiêu thụ dầu khí lớn thứ ba thế giới, một khách hàng có mức thu nhập không cao, nghĩa vụ cơ bản của chúng tôi là đảm bảo rằng Ấn Độ có quyền tiếp cận tốt nhất có thể với các điều khoản có lợi nhất cho thị trường quốc tế", Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar phát triển tại Moskva hồi cuối năm ngoái.

Phần lớn sản phẩm dầu tinh chế được bán cho người tiêu dùng Ấn Độ. Nhưng nhờ thặng dư, Ấn Độ đã nổi lên như một nhà cung cấp xăng và dầu diesel lớn cho châu Âu và những khu vực khác.  

Xuất khẩu sản phẩm dầu mỏ của Ấn Độ sang Liên minh châu Âu (EU) đã tăng 20,4% so với cùng kỳ năm ngoái lên 11,6 triệu tấn. Tờ Indian Express cho biết thêm rằng các nhà máy lọc dầu Ấn Độ đang được hưởng lợi nhuận cao.

Hoàng Trang/Báo Tin tức (Theo Oilprice)
Quan chức Nga cảnh báo về hậu quả sử dụng đạn urani nghèo ở Ukraine
Quan chức Nga cảnh báo về hậu quả sử dụng đạn urani nghèo ở Ukraine

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng Anh muốn biến lãnh thổ Ukraine thành “vùng đất bị thiêu rụi” bằng cách cung cấp đạn urani nghèo cho Kiev, nhưng hậu quả không chỉ có vậy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN