Nga cảnh báo phái bộ của EU ở Armenia sẽ gia tăng đối đầu

Theo hãng tin AFP, Nga mới đây đã cáo buộc EU tìm cách châm ngòi cho "đối đầu địa chính trị" thông qua triển khai một phái bộ dân sự để giám sát biên giới đầy biến động của Armenia với Azerbaijan.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: EPA 

Nga đã tìm cách duy trì vai trò trung gian hòa giải giữa hai nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ nói trên mặc dù đang có xung đột với Ukraine.

Liên minh châu Âu (EU) ngày 23/1 đã thành lập phái bộ dân sự với nhiệm vụ tham gia giám sát đường biên giới nhiều biến động giữa Armenia với Azerbaijan, qua đó củng cố vai trò của khối này tại khu vực Nam Caucasus mà Điện Kremlin coi là phạm vi ảnh hưởng.

Phái bộ đã được triển khai khi Armenia nói một “cuộc khủng hoảng nhân đạo” đang tàn phá khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh.

Kể từ giữa tháng 12/2022, một nhóm người Azerbaijan đã chặn con đường duy nhất đến Karabakh từ Armenia để phản đối điều mà họ cho là hoạt động khai thác mỏ trái phép gây hủy hoại môi trường, khiến khu vực miền núi này có khoảng 120.000 người thiếu lương thực, thuốc men và nhiên liệu.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết phái bộ của EU sẽ “chỉ châm ngòi cho cuộc đối đầu địa chính trị trong khu vực và làm trầm trọng thêm những mâu thuẫn hiện tại”.

Moskva cũng cáo buộc EU đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng trong khu vực và gây hại cho Nga. “Những nỗ lực của EU nhằm giành được chỗ đứng ở Armenia bằng bất cứ giá nào và hạn chế các nỗ lực hòa giải của Nga có thể gây tổn hại đến lợi ích cơ bản của người Armenia và người Azerbaijan”, Bộ Ngoại giao cho biết trong một tuyên bố.

Tuyên bố tiếp tục: “Chúng tôi tin rằng nhân tố chính cho sự ổn định và an ninh trong khu vực trong tương lai gần vẫn là lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga”.

Về phần mình, Mỹ đã lên tiếng ủng hộ phái bộ của EU. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel nói với các phóng viên: “Chúng tôi hoan nghênh những nỗ lực của các đối tác trong đó có EU nhằm xây dựng lòng tin trong khu vực và đảm bảo một môi trường thuận lợi cho đối thoại trực tiếp giữa Armenia và Azerbaijan”.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng tăng cường vai trò của Washington trong ngoại giao giữa Armenia và Azerbaijan thông qua các cuộc hội đàm thường xuyên với lãnh đạo hai nước. Đầu tuần này, ông Blinken hối thúc Azerbaijan dỡ bỏ lệnh phong tỏa trên đường vào Karabakh.

Hôm 26/1, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã cáo buộc Azerbaijan gây “áp lực kinh tế và tâm lý để kích động một cuộc di cư của người Armenia khỏi Karabakh”.

“Đây là một chính sách thanh trừng sắc tộc”, ông Nikol Pashinyan nói trong một cuộc họp nội các ở thủ đô Yerevan, lưu ý các trường mẫu giáo, trường học và trường đại học vẫn đóng cửa ở Karabakh do lệnh phong tỏa, với hàng nghìn học sinh không được quyền giáo dục cơ bản.

Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev bác bỏ cáo buộc là "vô căn cứ, sai trái và vô lý". Ông Aliyev cho biết lực lượng gìn giữ hòa bình Nga và Hội Chữ thập đỏ đã đảm bảo vận chuyển hàng hóa dân sự tới Karabakh.

Khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, những người ly khai người Armenia ở Karabakh đã ly khai khỏi Azerbaijan. Các cuộc xung đột sau đó đã cướp đi sinh mạng của khoảng 30.000 người. Một đợt bùng phát bạo lực khác vào năm 2020 đã cướp đi sinh mạng của trên 6.500 người và kết thúc bằng một thỏa thuận ngừng bắn do Nga làm trung gian, trong đó Armenia nhượng lại các vùng lãnh thổ mà họ đã kiểm soát trong nhiều thập kỷ.

Công Thuận/Báo Tin tức
Các nước Trung Mỹ quan tâm hợp tác xây dựng trung tâm công nghệ hạt nhân với Nga    
Các nước Trung Mỹ quan tâm hợp tác xây dựng trung tâm công nghệ hạt nhân với Nga    

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, ngày 27/1, Tập đoàn năng lượng nhà nước Rosatom của Nga cho biết một số quốc gia Trung Mỹ và Caribe bày tỏ quan tâm đến việc thành lập trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân, tương tự như dự án trung tâm hạt nhân mà tập đoàn này đang triển khai ở Bolivia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN