Phát biểu với báo giới, bà Matvienko nhắc lại vụ liên minh phương Tây tấn công Iraq với cáo buộc tồn tại vũ khí hóa học ở Iraq. Chủ tịch Thượng viện Nga khẳng định Moskva không muốn chứng kiến tái hiện những kịch bản ở Iraq và không muốn bất kỳ nước nào tìm kiếm những "chiêu bài" như vậy để lấy cớ xâm lược các quốc gia có chủ quyền.
Theo bà Matvienko, Nga đã kêu gọi tiến hành cuộc điều tra thấu đáo về vụ tấn công nghi sử dụng hóa học hôm 4/4 ở tỉnh Idlib, Tây Bắc Syria, trước khi đổ lỗi cho bất cứ bên nào tham gia cuộc xung đột Syria.
Tàu khu trục mang theo tên lửa hành trình của Mỹ USS Arleigh Burke (DDG 51) phóng tên lửa hành trình Tomahawk vào các mục tiêu ở Syria từ Biển Đỏ ngày 23/9/2014. Ảnh: EPA/TTXVN |
Tình hình Syria hiện rất căng thẳng sau khi Mỹ phóng
59 quả tên lửa Tomahawk vào căn cứ không quân của Syria với cái cớ đáp trả vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại một thị trấn thuộc tỉnh Idlib của Syria. Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố đây là hành động xâm lược một quốc gia có chủ quyền, vi phạm luật pháp quốc tế với một cái cớ bịa đặt. Chính quyền Syria cũng kiên quyết phủ nhận việc can dự vào cuộc tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học, khẳng định các lực lượng vũ trang Syria chưa bao giờ và cũng sẽ không bao giờ sử dụng vũ khí hóa học.
Ngày 20/3/2003, chính quyền Mỹ dưới quyền Tổng thống George Bush đã phát động cuộc chiến tranh tổng lực và chiếm đóng Iraq. Mục đích chính của chiến dịch quân sự này là lật đổ chính quyền Iraq của Tổng thống Saddam Hussein. Để tiến hành cuộc chiến tranh này, chính quyền Bush đã lấy lý do Iraq sở hữu vũ khí huỷ diệt hàng loạt WMD gồm vũ khí hoá học và sinh học, cho rằng Iraq là mối đe dọa trực tiếp đối với Mỹ, đồng thời tố cáo chính phủ Iraq nuôi dưỡng tổ chức khủng bố Al-Qaeda.
Mỹ đã tấn công Iraq khi Ủy ban của Liên hợp quốc về thanh sát và điều tra các loại vũ khí huỷ diệt của Iraq (UNMOVIC) còn đang thi hành nhiệm vụ và chưa có kết luận gì về vấn đề này. Hội đồng Bảo an cũng còn đang thảo luận xem Iraq có vi phạm các nghị quyết của Liên hợp quốc hay không. Chính phủ Iraq khi đó cũng nhiều lần tuyên bố không tàng trữ bất cứ loại vũ khí huỷ diệt nào.