Theo trang Al Jazeera, Nga đã cảnh báo LHQ về dự định tiến hành điều tra việc sử dụng máy bay không người lái của nước này ở Ukraine. Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh Nga bị cáo buộc sử dụng máy bay không người lái do Iran sản xuất và cung cấp, vi phạm các lệnh hạn chế vũ khí của Liên hợp quốc đối với Tehran.
Mỹ, Pháp và Anh đã triệu tập một cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an LHQ trong ngày 19/10 sau một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Nga vào Kiev hôm 17/10, khiến ít nhất 5 người thiệt mạng, đồng thời gây thiệt hại trên diện rộng cho các trạm điện và cơ sở hạ tầng khác của Ukraine.
Ukraine cho biết quân đội nước này đã bắn hạ hơn 220 máy bay không người lái (UAV) của Iran trong vòng hơn một tháng qua và đã mời Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đến Ukraine để kiểm tra một số mảnh xác máy bay mà họ thu thập được.
Xem video do lực lượng Cảnh sát Ukraine chia sẻ cho thấy một cảnh sát bắn rơi máy bay không người lái trên bầu trời Kiev.
Phát biểu sau cuộc họp của Hội đồng Bảo an hôm 19/10, Phó Đại sứ tại Liên hợp quốc của Nga, Dmitry Polyanskiy khẳng định vũ khí được sản xuất tại Nga và lên án "những cáo buộc và thuyết âm mưu vô căn cứ".
Ông Polyanskiy kêu gọi Tổng thư ký LHQ Guterres và các nhân viên của mình “tránh tham gia vào bất kỳ cuộc điều tra bất hợp pháp nào. Nếu không, chúng tôi sẽ phải đánh giá lại sự hợp tác của chúng tôi với họ, điều này hầu như không có lợi cho bất kỳ ai”.
Mỹ và Liên minh châu Âu cho biết họ có bằng chứng cho thấy Iran đã cung cấp cho Nga những chiếc Shahed-136, loại máy bay không người lái giá rẻ phát nổ khi lao vào mục tiêu.
Washington cho rằng bất kỳ vụ chuyển giao vũ khí nào đều trái với Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nằm trong Kế hoạch Hành động Toàn diện chung năm 2015 (JCPOA) - một thỏa thuận nhằm hạn chế các hoạt động hạt nhân của Iran và ngăn nước này phát triển vũ khí hạt nhân.
Tehran phủ nhận việc cung cấp máy bay không người lái cho Nga và đầu tuần này cho biết họ đã sẵn sàng “đối thoại và đàm phán với Ukraine để xóa những cáo buộc này” sau khi Ngoại trưởng Dmytro Kuleba nói Kiev nên cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tehran.
Hôm 19/10, Đặc phái viên Liên hợp quốc của Iran, Amir Saeid Iravani, đã bác bỏ "những tuyên bố vô căn cứ và không có cơ sở" về việc chuyển giao máy bay không người lái và nói rằng Tehran muốn có một "giải pháp hòa bình" cho cuộc xung đột tại Ukraine.
Ông Iravani cho biết lời mời LHQ tới điều tra của Ukraine “thiếu bất kỳ nền tảng pháp lý nào” và kêu gọi Tổng thư ký Guterres “ngăn chặn mọi hành vi lạm dụng” nghị quyết của LHQ.
Đặc phái viên này nhấn mạnh: “Iran có niềm tin chắc chắn rằng không có bất kỳ hoạt động xuất khẩu vũ khí nào của họ, bao gồm cả UAV, cho bất kỳ quốc gia nào” vi phạm nghị quyết 2231.
Theo nghị quyết 2231 được ban hành năm 2015, một lệnh cấm vận vũ khí thông thường đối với Iran được áp dụng cho đến tháng 10/2020.
Tuy nhiên, Ukraine và các đồng minh phương Tây lập luận rằng nghị quyết vẫn bao gồm các hạn chế đối với tên lửa và các công nghệ liên quan cho đến tháng 10/2023, và có thể bao gồm việc xuất khẩu và mua các hệ thống quân sự tiên tiến như máy bay không người lái.
Đại sứ Pháp tại Liên hợp quốc Nicolas de Riviere cho biết Tổng thư ký Guterres có “nhiệm vụ rõ ràng hai lần một năm báo cáo về tất cả những điều này và đưa ra các đánh giá kỹ thuật, vì vậy tôi nghĩ ban thư ký LHQ sẽ phải đi và sẽ đi [tới Ukraine]”.
Tổng thư ký LHQ Guterres báo cáo hai lần một năm với Hội đồng Bảo an - theo truyền thống là vào tháng 6 và tháng 12 - về việc thực hiện nghị quyết năm 2015. Bất kỳ đánh giá nào về máy bay không người lái ở Ukraine có thể sẽ được đưa vào báo cáo đó.
“Về vấn đề chính sách, chúng tôi luôn sẵn sàng kiểm tra bất kỳ thông tin nào và phân tích bất kỳ thông tin nào do các quốc gia thành viên cung cấp cho chúng tôi”, người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric cho biết ngày 19/10.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ thông qua các lệnh trừng phạt liên quan đến cáo buộc “máy bay không người lái Iran” trước thềm hội nghị thượng đỉnh của khối bắt đầu vào 20/10 tại Brussels.