Trong một tuyên bố, Điện Kremlin nêu rõ: "Các vấn đề đối phó với sự lây lan của dịch bệnh đã được (hai nhà lãnh đạo) thảo luận chi tiết, trong đó có khả năng cung cấp vaccine Sputnik V của Nga cho Áo, cũng như thiết lập hoạt động sản xuất chung vaccine".
Cuộc điện đàm diễn ra trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) vấp phải sự chỉ trích vì chậm trễ trong triển khai chương trình tiêm chủng đại trà sau khi gặp phải sự cố về nguồn cung.
Một vài nước thành viên EU khác, trong đó có Đức và Tây Ban Nha đã bày tỏ sự quan tâm tới vaccine của Nga nếu vaccine này được Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cấp phép sử dụng. Trong khi đó, Hungary đã trở thành quốc gia thành viên EU đầu tiên tiêm chủng vaccine Sputnik V của Nga vào ngày 12/2.
* Cùng ngày, cơ quan quản lý dược phẩm của Canada đã cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca. Đây là loại vaccine thứ ba được phép sử dụng ở Canada, cho phép nước này đẩy nhanh chương trình chủng ngừa COVID-19.
Vaccine của hãng AstraZeneca được Canada cấp phép sử dụng thông qua một hệ thống đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, tương tự quyền cấp phép sử dụng khẩn cấp của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ. Theo các báo cáo, Chính phủ Canada đã đặt mua 20 triệu liều vaccine của hãng AstraZeneca.
Trước đó, tháng 12/2020, Canada đã cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech và Moderna.
Theo các thỏa thuận mua vaccine được công bố, Canada đã đặt mua số lượng vaccine tính theo số dân nhiều nhất trên thế giới. Tuy nhiên, nước này triển khai chương trình tiêm chủng khá chậm, một phần do tiến độ giao hàng chậm của các nhà sản xuất vaccine.
Tính đến ngày 26/2, Canada ghi nhận trên 858.000 ca mắc COVID-19 và 21.865 ca tử vong.