Trong bài báo đăng trên tờ “Thời báo Tài chính” (Anh), Giám đốc kinh tế của tập đoàn tài chính Citigroup, Willem Buiter, cho rằng nếu khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tan vỡ, ngay cả trong trường hợp chỉ có một thành viên yếu nhất phải rời khỏi nhóm, thì hậu quả cũng đủ lớn để gây ra sự hỗn loạn. Còn nếu tan vỡ toàn bộ, tức là khi Eurozone tan rã thành một nhóm các nước sử dụng đồng mark Đức và một nhóm khoảng 10 thành viên quay lại với các đồng tiền quốc gia cũ, thì hậu quả sẽ khủng khiếp hơn nhiều.
Đồng Euro mất đi sẽ để lại rất nhiều hậu quả kinh tế. Ảnh: Internet |
Theo bài báo trên, Eurozone sẽ không thể có một kịch bản tan rã trong trật tự, trong đó các thành viên dần dần từ bỏ cam kết chính trị, kinh tế và pháp lý. Tan rã một phần hay toàn bộ đều sẽ dẫn tới một cuộc vỡ nợ hỗn loạn ở các nước “ngoại vi” có thâm hụt ngân sách lớn, nơi đồng tiền mất giá nhanh chóng và các ngân hàng phá sản. Nếu Tây Ban Nha và Italia rút lui, sẽ xảy ra một cuộc đổ vỡ hệ thống trong các tổ chức tài chính lớn ở khắp châu Âu và Bắc Mỹ, sau đó sẽ là suy thoái toàn cầu kéo dài.
Nếu diễn ra kịch bản một thành viên yếu nhất của Eurozone là Hy Lạp buộc phải rời khỏi nhóm (nguy cơ này hiện vào khoảng 20-25%). Các giao kèo kinh tế, bao gồm tiết kiệm tại ngân hàng, nợ chính phủ, lương công nhân sẽ phải tính lại bằng đồng Drachma và đồng tiền này sẽ mất giá khoảng 65%. Ngay khi lộ diện kịch bản Hy Lạp rút lui, các nhà đầu tư sẽ rút tiền khỏi ngân hàng và các khoản vay mới của Chính phủ này sẽ bị đình lại. Thậm chí trước khi Hy Lạp rút khỏi Eurozone, Chính phủ và các ngân hàng nước này cũng sẽ vỡ nợ bởi không ai còn muốn cho họ vay. Sau khi Hy Lạp rút lui, các hợp đồng tài chính dựa trên luật pháp quốc tế sẽ vẫn được tính bằng đồng euro. Hậu quả là mọi sổ sách sẽ phải tính lại. Tình trạng vỡ nợ và phá sản sẽ lan tràn. Kinh tế Hy Lạp sẽ sụp đổ khi tổng cung và tổng cầu cùng lao dốc.
Nếu Hy Lạp được cứu vớt qua cơn bão khủng hoảng, nguy cơ vỡ nợ của các thành viên khác giảm xuống rất nhiều. Nhưng nếu Hy Lạp không trụ được do các thành viên còn lại của Eurozone và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) không ra tay cứu giúp, thị trường sẽ theo dõi xem ai sẽ là thành viên tiếp theo phải ra đi. Không còn ai muốn cho chính phủ, ngân hàng và các doanh nghiệp nước này vay vốn nữa. Chỉ cần tin đồn cũng có thể buộc một thành viên Eurozone phải rời khỏi nhóm. Hậu quả sẽ lan sang các thành viên “có vấn đề” như Bồ Đào Nha, Ailen, Tây Ban Nha và Italia, sau đó bắt đầu tấn công các thành viên khỏe hơn như Bỉ, Áo và Pháp.
Nếu chỉ bị mất mắt xích Hy Lạp, Eurozone có thể kiểm soát được tình hình, do thành viên này chỉ chiếm 2,2% tổng GDP và 4% tổng nợ công của cả nhóm. Tuy nhiên, nếu Italia bị vỡ nợ trong hỗn loạn và buộc phải rời khỏi Eurozone, phần lớn hệ thống ngân hàng của cả châu Âu sẽ sụp đổ. Còn một cuộc vỡ nợ và tách nhóm của 5 thành viên “ngoại vi” hiện nay (nguy cơ là 5%) sẽ kéo sập không chỉ hệ thống ngân hàng của châu Âu mà cả của Mỹ, và đặt nhiều ngân hàng khắp nơi trên thế giới vào "vùng nguy hiểm". Hậu quả của cuộc khủng hoảng ngân hàng này sẽ là nhiều năm suy thoái kinh tế toàn cầu, với GDP giảm hơn 10% và thất nghiệp ở phương Tây lên trên 20%. Các thị trường mới nổi cũng bị kéo thụt lùi.
Tình huống tách nhóm của Đức hoặc của các thành viên “khỏe” khác sẽ để hậu họa lớn hơn nhiều. Khả năng này là rất thấp, dưới 3%. Khi đó, Đức và các thành viên cốt lõi khác của Eurozone sẽ sử dụng đồng mark mới. Chính phủ của các thành viên “ngoại vi” sẽ vỡ nợ, trong khi đồng mark mới lên giá mạnh. Các ngân hàng và tổ chức tài chính của khu vực tiền tệ mới phải được “cấp cứu” do chịu những tổn thất nặng nề bởi các nền kinh tế “ngoại vi” và các thành viên gặp vấn đề về tài chính. Khi không còn gì kết nối, phần còn lại của Eurozone sẽ tự tan rã và hình thành 11 đồng tiền mới. Hiệu lực pháp lý và kinh tế của các giao kết kinh tế bằng đồng euro sẽ chấm dứt. Lúc đó, mọi thành viên cũ của Eurozone đều sẽ yếu đi.
Vũ Hội