Năng lượng tái tạo chưa thể giúp châu Âu thoát khỏi khủng hoảng khí đốt

Châu Âu đã quyết liệt theo đuổi tương lai với năng lượng sạch, hướng đến chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Nhưng xung đột tại Ukraine và hệ quả đi kèm đã làm phát lộ những điểm hạn chế của năng lượng tái tạo.

Chú thích ảnh
Đường ống dẫn khí đốt tại trạm khí đốt ở Werne, miền tây nước Đức, ngày 24/3/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Giá các mặt hàng kim loại chủ chốt tăng cùng với thời hạn thực hiện các dự án năng lượng tái tạo kéo dài đang khiến châu Âu phải quay trở lại với nhiên liệu hóa thạch để xử lý cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay. Liên minh châu Âu (EU) đang có kế hoạch thay thế nguồn khí đốt của Nga bằng khí hóa lỏng (LNG), than đá và thậm chí là cả dầu thô nhập từ nước khác. Trong khi đó, tỉ lệ thay thế khí đốt bằng năng lượng gió, năng lượng mặt trời gần vẫn chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ.

Chính phủ Đức đã lên kế hoạch sử dụng khí đốt luân phiên. Nhà vận hành hệ thống truyền tải điện tại Pháp khuyến nghị khách hàng cắt giảm tiêu thụ điện. Còn tại Anh, xuất hiện ngày một nhiều các cuộc biểu tình phản đối giá điện tăng, đẩy hàng triệu hộ gia đình rơi vào tình cảnh căng thẳng nhiên liệu. Châu Âu thực sự đang gặp phải vấn đề năng lượng nghiêm trọng.

Tình trạng này khởi nguồn từ nhiều năm trước, dẫn tới luồng quan điểm phổ biến trong chính phủ nhiều nước cho rằng bất luận mọi việc ra sao, dòng khí đốt từ Nga sẽ không ngừng chảy. Ngay cả trong thời kỳ căng thẳng của Chiến tranh Lạnh, Nga vẫn bơm hàng tỉ m3 khí đốt sang châu Âu. Nhưng giờ mọi chuyện đã khác và nguyên nhân không phải chỉ bởi cuộc chiến tại Ukraine.

Châu Âu trong vài năm gần đây ráo riết tìm cách giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nói chung, mà khí đốt của Nga chỉ là một phần. EU từng đề ra mục tiêu đến năm 2022 năng lượng tái tạo sẽ chiếm 37,5% tổng tiêu thụ điện năng, trong đó năng lượng gió và năng lượng hydro chiếm 2/3 tổng sản lượng năng lượng tái tạo.

Câu hỏi đặt ra là tại sao Đức lại vội vàng lên kế hoạch sử dụng khí đốt luân phiên và yêu cầu người dân giảm tiêu thụ điện năng? Đó là do ảnh hưởng của cuộc chiến Ukraine. Xung đột dường như giáng đòn mạnh, bất ngờ vào chính phủ nhiều nước EU, khiến họ tìm cách đứng tách biệt với Nga theo mọi cách có thể, trong đó có việc dừng nhập khẩu khí đốt từ Nga.

Việc Tổng thống Vladimir Putin nêu yêu sách buộc các nhà nhập khẩu phải thanh toán hợp đồng mua khí đốt bằng đồng rúp dường như chỉ làm tăng động lực cho châu Âu trong từ bỏ nguồn năng lượng này của Nga. Ba nước vùng Baltic là Latvia, Estonia và Litva mới đây đã thông báo dừng mua khí đốt của Nga từ ngày 2/4. Trước mắt, ba nước này sẽ sử dụng nguồn khí đốt từ kho dự trữ, về lâu dài họ có thể nhận khí hóa lỏng nhập khẩu qua kho LNG ở Litva, hoặc là nguồn cung đấu nối với Ba Lan. Litva thậm chí còn kêu gọi phần còn lại của châu Âu thực hiện bước đi tương tự. Điểm đáng chú ý là cả ba nước vùng Baltic đều không có ý định thay thế khí đốt nhập khẩu bằng nguồn năng lượng gió, năng lượng mặt trời.

Chú thích ảnh
Nhà máy nhiệt điện chạy than thuộc diện lớn nhất thế giới đặt tại Bełchatow, Ba Lan. Ảnh: energytransition.org

Thực tế này cũng đúng với phần còn lại của EU. Hồi đầu năm nay, Bloomberg công bố báo cáo cho rằng năng lượng tái tạo trên khắp EU đang “thế chỗ” khí đốt tự nhiên. Charles Moore, chuyên gia tổ chức chuyên về tư vấn môi trường Ember và người đứng đầu nhóm nghiên cứu, khẳng định nguồn năng lượng tái tạo là sẵn có, giá thành rẻ hơn, cạnh tranh hơn so với khí đốt và năng lượng tái tạo là cơ hội, chứ không phải gánh nặng.

Vậy tại sao EU đến lúc này vẫn phải vật lộn với “mớ rối” khí đốt Nga? Tại sao các nước không đẩy nhanh xây dựng các trang trại điện gió, điện mặt trời và chứng minh cho Nga thấy châu Âu có sức mạnh ra sao? Câu trả lời nằm ở nhiều yếu tố. Giá đồng, sắt thép, polysilicon cùng nhiều kim loại, khoáng chất phục vụ xây dựng các dự án như vậy đang đắt đỏ. Kế đến, việc xây dựng những cơ sở như vậy mất nhiều thời gian, lâu hơn việc chuyển đổi sang sử dụng LNG hoặc than đá.

Trên thực tế, bản kế hoạch gần đây mà Ủy ban châu Âu (EC) xây dựng nhằm giảm tiêu thụ khí đốt Nga, kể đến là cả than đá và dầu mỏ, không đặt ưu tiên cho phát triển năng lượng điện gió, điện mặt trời, mà vẫn là tăng tiêu thụ khí đốt, than đá, nhưng với nguồn cung ứng ngoài Nga.

Theo thông tin mà tờ Die Welt (Đức) tiếp cận được, EU sẽ tìm cách thay thế 50 tỉ m3 khí đốt nhập khẩu hàng năm của Nga bằng LNG từ các nguồn khác, tìm kiếm nguồn cung bổ sung 10 tỉ m3 khí đốt vận chuyển qua đường ống ngoài Nga. Con số này tương đương với lượng khí đốt 60 tỉ m3 trong tổng số 155 tỉ m3 châu Âu nhập từ Nga. Châu Âu cũng có thể thay thế thêm 20 tỉ m3 nữa bằng nguồn than đá.

Mọi chuyện rồi lại rơi vào vòng luẩn quẩn. Bởi cũng chính châu Âu trước đó từng kêu gọi và cam kết hành động chấm dứt sử dụng than đá. Châu Âu từng lên kế hoạch đóng cửa mọi nhà máy nhiệt điện chạy than trước năm 2030 để đạt mục tiêu về giảm phát thải theo Thỏa thuận Paris. Cũng chính châu Âu lại cũng đang đặt cược vào việc thay thế khí đốt bằng dầu thô để giảm thêm 10 tỉ m3 khí đốt nhập từ Nga.

Nhìn nhận tổng quan, EC dường như theo đuổi ý định thay thế 50% khí đốt của Nga bằng các nguồn nhiên liệu hóa thạch khác. Trong khi đó, nguồn điện gió, điện mặt trời dự kiến đóng góp sản lượng tương đương với lượng thay thế 22,5 tỉ m3 từ Nga. Đó không phải là cách một khu vực muốn vươn lên vị thế “xanh nhất” về năng lượng trên hành tinh trong một thời gian ngắn.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Oilprice)
Xuất khẩu năng lượng Nga sẽ thắng lớn trong năm nay, dự kiến tăng hơn 30%
Xuất khẩu năng lượng Nga sẽ thắng lớn trong năm nay, dự kiến tăng hơn 30%

Doanh thu ước tính từ bán dầu và khí đốt của Nga lên tới 321 tỷ USD trong năm nay, tăng hơn 1/3 so với năm ngoái

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN