Theo phóng viên TTXVN tại khu vực châu Phi, tê tê là loài động vật có vú nhút nhát, không có khả năng tự vệ và vô hại nhưng chúng phải đối mặt với vô số thách thức: săn trộm, mất môi trường sống và sự thiếu hiểu biết chung của con người. Một số bị săn bắt ở châu Phi và xuất khẩu sang các nước châu Á, nơi chúng được coi là một món ngon. Vảy của chúng được tạo thành bởi chất sừng mà một số người tin rằng có giá trị chữa bệnh.
Tại Bảo tàng Quốc gia Kenya, có một bộ sưu tập đáng buồn về tê tê và vảy được bảo quản. Các quan chức ở đây cho biết 120 tấn tê tê đã được đưa khỏi châu Phi trong giai đoạn 2010-2014. Benard Agwanda, một nhà khoa học và nhà nghiên cứu của bảo tàng, đã hỗ trợ các cơ quan thực thi pháp luật Kenya xác định tê tê bị bắt giữ tại các sân bay. Mục đích là để đảm bảo kết án những đối tượng buôn bán loài có nguy cơ tuyệt chủng này.
Kenya là trung tâm buôn bán tê tê từ Cameroon, CHDC Congo, CH Trung Phi và Senegal. Giữa năm 2014 và 2015, Kenya chỉ ghi nhận 1 vụ bắt giữ tê tê bất hợp pháp tại sân bay, song từ năm 2021 đến nay, đã có tới 20 vụ tê tê trái phép bị bắt giữ tại sân bay. Điều này cho thấy các vụ săn trộm đã gia tăng.
Theo ông Agwanda, năm 2020, có thông tin cho rằng tê tê bị nhiễm một loại virus có thể là biến thể COVID-19 và điều đó đã làm thay đổi suy nghĩ của mọi người về tê tê. Ông nhấn mạnh nếu không tìm hiểu và ngăn chặn những tin đồn vô căn cứ như vậy, con người có thể gây thêm mối đe dọa khác cho tê tê và khiến tê tê tuyệt chủng nhanh hơn.
Hiện tại có 8 loài tê tê khác nhau trên thế giới và tất cả đều bị đe dọa tuyệt chủng. Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã xếp các loại tê tê vào các tình trạng khác nhau, từ dễ bị tổn thương đến tê tê Sunda và tê tê Philippines đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Ở thung lũng thuộc tỉnh phía Bắc Narok của Kenya, bộ tộc người Maasai có nhận thức khác về các sinh vật. Chẳng hạn, những người lớn tuổi có xu hướng liên tưởng tê tê với sự may mắn không như những người trẻ tuổi có xu hướng nghĩ khác.
Beryl Makori, một nhà nghiên cứu thuộc Dự án Pangolin - một tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu và bảo vệ tê tê, cho biết "người dân không biết đến tê tê nên khi nhìn thấy tê tê, họ nghĩ rằng đó là con vật có hại hoặc là thứ gì đó độc hại, nguy hiểm nên bản năng đầu tiên của mỗi con người khi nhìn thấy con vật gì nguy hiểm là giết hoặc đánh nó".
Theo bà Makori, sự thiếu nhận thức có hậu quả đe dọa sự tồn tại của các sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng. Nghiên cứu khoa học về cuộc sống của tê tê, loài sinh vật sống về đêm và bí ẩn vẫn đang được tiến hành tuy nhiên con người vẫn chưa có nhiều thông tin về chúng.
Các nhà khoa học đánh giá tê tê cũng bị ảnh hưởng do mất môi trường sống liên tục khi con người tiếp tục xâm lấn vào ngôi nhà tự nhiên của chúng. Sự ra đời của hàng rào điện đã được chứng minh là đặc biệt nguy hiểm.
Theo giới khoa học, nuôi tê tê dưới sự chăm sóc của con người là vô cùng khó khăn; sự nhạy cảm của loài động vật này dẫn đến tỷ lệ tử vong và vô sinh cao. Cách duy nhất để cứu loài này là trả chúng về môi trường sống tự nhiên. Hiện các nhà khoa học cũng kêu gọi xây dựng một chiến lược khả thi để bảo vệ tê tê bao gồm nâng cao nhận thức của các thành viên cộng đồng và các cơ quan thực thi pháp luật cũng như nghiên cứu khoa học nhiều hơn để hiểu sâu hơn về loài động vật này.