Các quan chức chính quyền Palestine và nhân viên viện trợ quốc tế cho biết, cuối tháng 5 vừa qua, quân đội Israel đã dỡ bỏ lệnh cấm bán thực phẩm tươi sống cho Gaza từ Israel và Bờ Tây. Kể từ sau cuộc tấn công của phong trào Hồi giáo Hamas vào Israel ngày 7/10/2023, đây là lần đầu tiên hàng hóa sản xuất bên trong Israel hoặc Bờ Tây được phép đưa vào Gaza. Tuy nhiên, trong các bài đăng trên mạng xã hội, người dân Gaza cho biết các thương nhân đang lợi dụng nhu cầu cao ở Gaza để mua hàng hóa ở Israel và Bờ Tây rồi bán với giá "trên trời".
Dòng viện trợ của Liên hợp quốc (LHQ) tại vùng lãnh thổ bị tàn phá của Palestine đã bị gián đoạn nghiêm trọng kể từ khi Israel triển khai các hoạt động quân sự tại thành phố Rafah ở phía Nam Gaza. Đây là cửa ngõ quan trọng dẫn vào dải đất này từ Ai Cập. Israel đang đứng trước sức ép ngày càng tăng của cộng đồng quốc tế kêu gọi xoa dịu cuộc khủng hoảng ở Gaza trong bối cảnh nạn đói.
Israel khẳng định nước này không giới hạn nguồn cung cấp nhân đạo cho dân thường ở Gaza, đồng thời chỉ trích LHQ trì hoãn hoạt động viện trợ.
Các nhân chứng cho biết các máy bay đã thả thùng hàng viện trợ xuống các khu vực ở Al-Karara và Khan Younis ở phía Nam Dải Gaza. Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo một tỷ lệ lớn dân số Gaza đang phải đối mặt với nạn đói thảm khốc. Ông Tedros cho biết hơn 8.000 trẻ em dưới 5 tuổi ở Gaza đã được chẩn đoán và điều trị suy dinh dưỡng cấp tính, trong đó có 1.600 trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng.
Theo cơ quan y tế ở Gaza, kể từ khi cuộc xung đột hiện nay bùng phát vào tháng 10 năm ngoái, 27 trẻ em ở dải đất này đã tử vong vì suy dinh dưỡng. Cơ quan này cho biết: “Một thảm kịch nhân đạo đang tấn công khu vực phía Bắc Gaza và bóng ma nạn đói đang rình rập”.
Cùng ngày 14/6, cơ quan thương mại Gaza đã hối thúc cộng đồng quốc tế gây sức ép để Israel tạo thuận lợi cho việc tiếp cận hàng viện trợ khẩn cấp. Trong tuyên bố, cơ quan này cho biết: “Ngoài tình trạng thiếu lương thực, nước và thuốc men, phía Bắc Dải Gaza còn thiếu trầm trọng nhiều nhu yếu phẩm cơ bản khác, bao gồm cả sản phẩm vệ sinh cá nhân. Vì thiếu nhiên liệu, điện và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, các bệnh viện đã không còn hoạt động và tất cả các cơ sở công cộng và tư nhân đều bị phá hủy hoàn toàn”.