Nam Phi ứng dụng công nghệ hiện đại để bảo tồn tê giác trắng

Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, Chính phủ Nam Phi đang đặt mục tiêu theo dõi đàn tê giác hàng ngày bằng máy bay không người lái, vòng cổ GPS và hệ thống báo cáo kỹ thuật số để cung cấp dữ liệu thời gian thực cho các nhóm thực thi pháp luật trong nỗ lực bảo tồn loài tê giác trắng.

Chú thích ảnh
Tê giác trắng tại Khu bảo tồn tê giác Ziwa ở Nakasongola, Uganda. Ảnh: THX/TTXVN

Các biện pháp kỹ thuật này được xem như một phần của chiến lược mới nhằm tái thiết quần thể tê giác trắng của Vườn quốc gia Kruger từ hơn 2.000 lên 12.000 cá thể trong thập kỷ tới.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Lâm nghiệp, Thủy sản và Môi trường, Tiến sĩ Dion George (15/7) cho biết: “Bắt đầu từ năm nay, 90 giám sát viên tê giác sẽ được huấn luyện và triển khai hàng năm trên khắp Vườn quốc gia Kruger. Họ không chỉ bảo vệ tê giác mà còn bảo vệ sinh kế, tài sản gia đình và khả năng tạo việc làm xanh cho thế hệ mai sau”.

Tuyên bố được đưa ra trong lễ ra mắt chính thức Chiến dịch Phục hưng tê giác tại Vườn quốc gia Kruger, dựa trên việc theo dõi tê giác 24/7; các biện pháp quản lý sinh học như cắt sừng có mục tiêu; gắn thẻ ADN và nghiên cứu di truyền; hợp tác thực thi trên khắp các cấp tỉnh, quốc gia và khu vực và quan trọng là huy động nguồn lực để duy trì hoạt động trong thời gian dài.

Với việc Nam Phi hiện đang là nước chủ nhà của G20, chiến dịch này cũng được triển khai như một Dự án Di sản G20 nhằm huy động sự ủng hộ toàn cầu, cả về mặt ngoại giao và tài chính, để mở rộng hoạt động này.

Chống tội phạm về động vật hoang dã là một trong 6 ưu tiên cốt lõi của Bộ Lâm nghiệp, Thủy sản và Môi trường Nam Phi với trọng tâm là “cam kết hướng tới một tương lai công bằng và bền vững – nơi động vật hoang dã mang tính biểu tượng của chúng ta hỗ trợ sinh kế, nâng cao đời sống cộng đồng và củng cố bản sắc dân tộc”.

Chính phủ Nam Phi cũng đang hợp tác với các đối tác như Interpol, Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), Ban kiểm soát ma túy quốc tế (INCB) và các nước láng giềng thuộc Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi (SADC) để tăng cường chia sẻ thông tin tình báo và hợp tác xuyên biên giới, trong các nỗ lực chống tội phạm về động vật hoang dã.

Hoàng Minh (TTXVN)
Indonesia di dời tê giác Java nhằm đa dạng hóa nguồn gene
Indonesia di dời tê giác Java nhằm đa dạng hóa nguồn gene

Indonesia đang có kế hoạch di chuyển một số tê giác Java đến Khu vực nghiên cứu và bảo tồn tê giác Java (JRSCA) như một phần của chương trình nhân giống một trong những loài thú hiếm nhất thế giới này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN