Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, số liệu mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy 31% số người từ 15 tuổi trở lên tại Nam Phi thường xuyên sử dụng rượu, trong khi 69% còn lại đang thực hiện chế độ kiêng đồ uống chứa cồn ít nhất trong 12 tháng qua.
Tuy chỉ chiếm khoảng 1/3 số người trưởng thành, nhưng những người thường xuyên uống rượu tại Nam Phi thuộc diện "tửu lượng cao" khi mỗi cá nhân tiêu thụ trung bình 29 lít rượu/năm, đứng thứ 5 trên thế giới chỉ sau Tunisia (33,4 lít/năm), Quần đảo Cook (32,9 lít/năm), Eswatini (32,7 lít/năm) và Namibia (31,3 lít/năm).
Đáng báo động hơn, những người thường xuyên sử dụng rượu tại Nam Phi uống tới hơn nửa lít rượu, bia cho mỗi lần uống và trung bình mỗi người sử dụng rượu không dưới 2 lần trong 1 tháng. Nếu tính trên tổng dân số khoảng 54 triệu người, mỗi người dân Nam Phi, bao gồm cả trẻ em và người già, mỗi năm tiêu thụ khoảng 9,3 lít rượu, cũng đứng trong nhóm đầu thế giới.
Theo một nghiên cứu của tạp chí Y khoa doanh tiếng BMC Medicine có trụ sở tại Anh, mỗi ngày có khoảng 170 người tại Nam Phi chết vì các nguyên nhân liên quan đến lạm dụng bia rượu, gấp đôi so với con số trung bình tại các quốc gia trong khu vực miền Nam châu Phi. Đặc biệt, 60% trong số này thuộc tầng lớp có thu nhập thấp và chỉ 15% là thuộc tầng lớp giàu có.
WHO cảnh báo rượu, bia có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, phình động mạch chủ, bệnh đường miệng, xơ gan, viêm gan, viêm tụy cấp và mãn tính. Bên cạnh đó, việc lạm dụng đồ uống có cồn còn gây ra hệ lụy nghiêm trọng cho xã hội như tai nạn giao thông, bạo lực.