Theo phóng viên TTXVN tại Nam Phi, ngày 3/2, tại thành phố Johannesburg, cơ quan thực thi pháp luật Nam Phi đã công bố bản di chúc của cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela.
Ông Nelson Mandela (giữa) trong dịp sinh nhật lần thứ 90 của mình tại thủ đô Pretoria, Nam Phi. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phó Chánh án Tòa án Hiến Pháp Nam Phi Dikgang Moseneke cho biết tổng số tài sản mà ông Mandela để lại có trị giá 46,13 triệu Rand (khoảng 4,6 triệu USD), sẽ được trao cho bà quả phụ Graca Machel, các thành viên khác trong gia đình, đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) cầm quyền, các trường học và một số người từng làm việc với ông…
Theo bản di chúc, bà Machel sẽ được hưởng 50% số tài sản nói trên theo thỏa thuận tiền hôn nhân giữa hai người vào năm 1998. Ngôi nhà ở Houghton (Hút-tơn) thuộc thành phố Johannesburg, nơi ông Mandela qua đời vào ngày 5/12 năm ngoái, được trao cho gia đình người con trai quá cố Makgatho. Ông Mandela viết trong di chúc: "Tôi muốn ngôi nhà này sẽ là nơi đoàn tụ của gia đình Mandela nhằm duy trì sự thống nhất lâu dài sau khi tôi qua đời".
Đảng Đại hội Dân tộc Phi, từng được ông Mandela dẫn dắt tới chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên hồi năm 1994, được nhận từ 10-30% tiền bản quyền cuốn sách "Con đường dài tới tự do" của ông, nhằm "thúc đẩy các chính sách và nguyên tắc hòa giải trong xã hội Nam Phi". Năm trường đại học của Nam Phi, trong đó có Đại học Witwatersrand, nơi ông Mandela nhận tấm bằng cử nhân luật, được nhận mỗi trường 100.000 Rand. Ngoài ra, một số người từng làm việc với ông cũng được nhận mỗi người 50.000 Rand.
Cựu Tổng thống Nelson Mandela, biểu tượng của cuộc chiến chống chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid và là một trong những chính khách xuất chúng của thế kỷ XX, đã qua đời ngày 5/12/2013 ở tuổi 95. Di chúc của cố Tổng thống Mandela được soạn thảo lần đầu năm 2004 và chỉnh sửa lần cuối vào năm 2008.
TTXVN/Tin tức