Phóng viên TTXVN tại Pretoria dẫn thông cáo báo chí của SARS cho biết Đơn vị Chó nghiệp vụ của Hải quan tại sân bay phát hiện một lô hàng nghi vấn được khai báo “Nhà phát triển hộp mực HP”, qua kiểm tra bằng máy quét X quang phát hiện vật thể nghi vấn sừng tê giác. Cơ quan chức năng đã tiến hành mở lô hàng nghi vấn để trực tiếp kiểm tra và phát hiện 18 sừng/mảnh sừng tê giác với kích cỡ khác nhau được giấu trong quần áo. Theo nhà chức trách, lô hàng này được đăng ký gửi tới Malaysia.
Hải quan Sân bay O.R. Tambo đã bàn giao số sừng tê giác thu được cho Cơ quan Điều tra trọng án Nam Phi (Hawks) để tiếp tục làm rõ vụ việc.
Từ tháng 7/2020 đến nay, Cơ quan Hải quan tại Sân bay Quốc tế O.R.Tambo đã phát hiện 4 vụ vận chuyển trái phép sừng tê giác, thu giữ 277,30 kg sừng tê giác với giá trị ước tính khoảng 15,5 triệu USD.
Người đứng đầu Cơ quan Thuế vụ Nam Phi Edward Kieswetter đã cảnh báo các đối tượng buôn bán sừng tê giác rằng SARS phối hợp với các cơ quan thực thi pháp luật khác sẽ không ngừng đấu tranh và xử lý không khoan nhượng với những kẻ thủ ác. Bất kể người nào có ý định phá hủy sự đa dạng của tự nhiên Nam Phi, vốn là kho tàng, di sản chung và cần được chăm sóc, bảo vệ cho các thế hệ mai sau, sẽ phải đối mặt với sự trừng trị của pháp luật. Năm 2020, các cơ quan chức năng Nam Phi đã bắt giữ 156 đối tượng liên quan đến săn bắt, buôn bán sừng tê giác.
Trước đó, ngày 1/2 vừa qua, Bộ Môi trường, lâm nghiệp và thủy sản Nam Phi (DEFF) cho biết số lượng tê giác bị săn bắt trộm tại Vườn Quốc gia Kruger đã giảm 33% trong năm 2020 với 394 cá thể tê giác bị giết hại so với mức 594 cá thể bị giết hại trong năm 2019 – mức giảm ghi nhận trong 6 năm liên tiếp. Vườn Quốc gia Kruger – vườn quốc gia lớn nhất Nam Phi – có khoảng 3.549 cá thể tê giác trắng và 268 cá thể tê giác đen.
Bộ trưởng DEFF Barbara Creecy cho rằng kết quả trên là do Nam Phi đã áp dụng chế độ phong tỏa nghiêm ngặt để phòng chống COVID-19, vai trò của nhân viên an ninh, nhân viên tuần tra các vườn quốc gia, áp dụng công nghệ giám sát (nhất là đối với các cá thể tê giác cái), cưa ngắn sừng của tê giác…
Ngoài ra, các chính phủ, tổ chức, cá nhân nước ngoài đã phối hợp và hỗ trợ chặt chẽ Nam Phi trong đấu tranh chống nạn săn bắt tê giác và buôn bán sừng tê giác. Việt Nam đã đóng góp đáng kết trong nỗ lực chung thông qua việc chuyển giao cho các cơ quan chức năng Nam Phi các mẫu DNA của những mẫu sừng tê giác mà các cơ quan chức năng Việt Nam bắt giữ để phía Nam Phi xét nghiệm, truy vết khu vực những cá thể tê giác bị săn bắt trộm và kịp thời đưa ra các biện pháp đấu tranh.