Bộ trưởng Môi trường, Lâm nghiệp và Ngư nghiệp Nam Phi Barbara Dallas Creecy ngày 13/8 cho biết 357 nghi phạm đã bị bắt giữ tại Kruger National Park - một trong những khu bảo tồn thiên nhiên lớn nhất châu Phi, 7 nghi phạm bị bắt giữ tại vườn quốc gia Pilanesberg và 3 nghi phạm khác tại vườn quốc gia Motala. Đáng chú ý, 15 người trong số này là nhân viên của Cục Vườn quốc gia Nam Phi - cơ quan hiện đang quản lý 21 vườn quốc gia và khu bảo vệ thiên nhiên tại nước này.
Bộ trưởng Creecy nêu rõ đây là nỗ lực đang ghi nhận của các lực lượng chức năng trong bối cảnh săn trộm tê giác vẫn đang là mối đe dọa hiện hữu tới sự tồn vong của loài động vật mang tính biểu tượng của châu Phi này. Bà Creecy nhấn mạnh đây là kết quả của sự phối hợp hiệu quả giữa nhiều lực lượng bao gồm kiểm lâm, cảnh sát, tình báo, đặc nhiệm cũng như Bộ Môi trường, Lâm nghiệp và Ngư nghiệp.
Trước đó, hồi tháng 5 vừa qua, Save the Rhino - tổ chức phi lợi nhuận chuyên về bảo vệ loài tê giác tại Nam Phi cho biết gần 700 cá thể tê giác tại tỉnh Limpopo của Nam Phi đã thoát hiểm sau khi được tiêm một hỗn hợp hóa chất chuyên dụng vào sừng khiến các cá thể này không còn giá trị đối với những toán đi săn trộm tê giác với mục đích lấy sừng.
Theo Save the Rhino, trong 4 năm vừa qua, chỉ có 2 con tê giác bị bọn săn trộm giết hại trong 700 cá thể đã được tiêm thuốc vào sừng tại tỉnh Limpopo - một trong những khu vực có mật độ phân bổ cao của loài động vật mang tính biểu tượng cho châu Phi này.
Trước đó, các nhà bảo vệ động vật hoang dã thường dùng phương pháp cắt bỏ sừng tê giác khiến loài này không trở thành mục tiêu của bọn săn trộm, tuy nhiên, theo giới sinh học, phương pháp này có thể khiến loài tê giác bị mất đi tập tính tự nhiên, dẫn đến trầm cảm và chết sớm. Hiện tổ chức bảo vệ môi trường cũng đang nghiên cứu áp dụng phương pháp tiêm thuốc nhuộm màu vào ngà voi để khiến ngà voi không còn giá trị làm vật trang trí hay trưng bày.
Nam Phi còn là nơi sinh sống của khoảng 20.000 con tê giác trắng, chiếm tới 80% tổng số tê giác trắng trên toàn thế giới.