Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma tại phiên chất vấn của Quốc hội ở Cape Town ngày 2/11/2017. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo hãng tin Reuters, ANC ban đầu có kế hoạch tổ chức cuộc họp khẩn của Ủy ban Điều hành Quốc gia (NEC) thuộc ANC, cơ quan có thẩm quyền phế truất Tổng thống Zuma vào tối 7/2, nhưng sau đó đã quyết định hoãn cuộc họp này sau các cuộc thảo luận "mang tính xây dựng" giữa Phó Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, lãnh đạo mới của ANC, với ông Zuma. Ông Ramaphosa cho biết đã có các cuộc thảo luận thẳng thắn và trực tiếp với ông Zuma liên quan đến tiến trình chuyển giao quyền lực, đồng thời hy vọng sẽ chấm dứt việc thảo luận "trong những ngày tới".
Một thành viên cấp cao của ANC cho biết đảng này không muốn phải tiến hành cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm hay phế truất Tổng thống Zuma vì không muốn ảnh hướng đến uy tín của đảng này. Các quan chức ANC cũng cho biết họ muốn ông Zuma tự nguyện từ chức thay vì bị ép buộc ra đi thông qua một cuộc bỏ phiếu của NEC, hay một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội, bởi vì điều này có thể phản ánh sự chia rẽ trong nội bộ đảng NEC.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Nam Phi, các đảng đối lập tại nước này đang lên kế hoạch tổ chức biểu tình trên quy mô cả nước nhằm phản đối sự chậm trễ của ANC trong việc phế truất tổng thống Zuma, cũng như hối thúc đẩy nhanh quá trình chuyển giao quyền lực tại quốc gia nằm ở cực Nam châu Phi này.
Ông Mbuyiseni Ndlozi, người phát ngôn của đảng Các chiến binh vì tự do kinh tế (EFF), cho biết đảng này đang chuẩn bị những khâu cuối cùng để công bố lịch biểu tình vào chiều ngày 8/2 theo giờ địa phương. Theo ông Ndlozi, không chỉ riêng EFF mà đây sẽ là cuộc biểu tình mang tầm cỡ quốc gia.
Trong khi đó, người đứng đầu đảng Dân chủ thống nhất Nam Phi (UDM) Bantu Holomisa cho biết UDM đang bàn thảo lịch biểu tình với một số đảng khác và khả năng nhiều nhất là cuộc biểu tình quy mô lớn sẽ diễn ra vào ngày 22/2, trùng với ngày Quốc hội Nam Phi dự kiến tổ chức cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Tổng thống Zuma.
Mặc dù chưa chốt ngày sẽ tổ chức biểu tình cụ thể nhưng đảng Liên minh dân chủ Nam Phi (DA) khẳng định sẽ nỗ lực kết thúc quá trình “nhùng nhằng” liên quan đến tương lai của Tổng thống Zuma. Đảng này cho biết hiện đang bàn bạc với đảng Các chiến binh vì tự do kinh tế (EFF) để hối thúc Quốc hội tổ chức sớm cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với ông Zuma vào ngày 13/2 thay vì 22/2 theo kế hoạch.
Tổng thống Zuma hiện đang đối mặt với nhiều sức ép buộc ông rời bỏ cương vị với cáo buộc tham nhũng và năng lực điều hành yếu kém. Áp lực gia tăng từ chính nội bộ đảng ANC cầm quyền kể từ tháng 12 năm ngoái, khi ông phải nhường vai trò lãnh đạo đảng cho Phó Tổng thống Ramaphosa.
Sức ép đòi ông Zuma từ chức đang lớn hơn bao giờ hết sau khi Quốc hội Nam Phi vừa bất ngờ hoãn lễ trình bày Thông điệp quốc gia năm 2018 của nhà lãnh đạo 75 tuổi này. Việc ông Zuma nhất quyết không từ chức đang đẩy đảng ANC cầm quyền vào sự chia rẽ sâu sắc nhất kể từ năm 1994 khi ANC lên nắm quyền lãnh đạo đất nước Nam Phi.