"Hàng rào biên giới rất thuận tiện, không chỉ vì nó có thể đóng vai trò răn đe mà còn vì nó chứa các cảm biến và công nghệ cho phép bạn phát hiện xem có người tiếp cận gần biên giới hay không", Bộ trưởng Emilie Enger Mehl cho biết trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình công cộng Na Uy NRK phát sóng vào tối 28/9.
Nữ bộ trưởng cho biết chính phủ Na Uy hiện xem xét một số biện pháp để tăng cường an ninh biên giới phía Bắc Cực với Nga ở phía bắc Bắc Cực, bao gồm rào chắn, tăng số lượng nhân viên biên phòng hoặc tăng cường giám sát. Cửa khẩu biên giới Storskog là điểm giao nhau chính thức duy nhất mà người từ Nga có thể vào Na Uy.
Trước đó, trong chuyến thăm Phần Lan vào hè qua, Bộ trưởng Enger Mehl đã được giới thiệu về cách đóng cửa toàn bộ biên giới đất liền dài 1.340 km giữa Phần Lan và Nga. Bà cho hay nếu tình hình an ninh ở khu vực Bắc Cực vốn đã nhạy cảm trở nên tồi tệ hơn, chính phủ Na Uy sẵn sàng đóng cửa biên giới trong thời gian ngắn.
Chính phủ Phần Lan đã đóng cửa tất cả các cửa khẩu giữa Nga và Phần Lan vào cuối năm 2023 sau khi hơn 1.300 người di cư từ nước thứ ba không có giấy tờ hoặc thị thực hợp lệ — một con số cao bất thường — đã tràn vào nước này trong ba tháng, chỉ vài tháng sau khi quốc gia này trở thành thành viên của NATO.
Để ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp, Helsinki đang xây dựng các hàng rào có tổng chiều dài lên tới 200 kmdọc theo khu vực biên giới sườn phía Bắc của NATO và đóng vai trò là biên giới bên ngoài của Liên minh châu Âu.
Lực lượng bảo vệ biên giới Phần Lan cho biết hàng rào được trang bị thiết bị giám sát hàng đầu, chủ yếu được đặt xung quanh các cửa khẩu để lực lượng bảo vệ biên giới Phần Lan phát hiện người nhập cư bất hợp pháp và có thời gian có biện pháp xử lý hợp lý.
Cửa khẩu Storskog đang được bảo vệ bằng một hàng rào dài 200 mét và cao 3,5 mét được dựng lên vào năm 2016 sau khi khoảng 5.000 người di cư và người xin tị nạn đã vượt biên từ Nga sang Na Uy một năm trước đó.
Na Uy - quốc gia có 5,6 triệu dân - là thành viên NATO nhưng không phải là thành viên của Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, nước này thuộc khu vực Schengen của EU, nơi các nước thành viên đã bãi bỏ kiểm soát biên giới tại biên giới chung, đảm bảo quyền tự do đi lại của công dân.