Để thực thi chiến lược tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu trong 5 năm tới, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama hiện đang trong giai đoạn soạn thảo một kế hoạch, theo đó có thể nới lỏng những hạn chế về xuất khẩu vũ khí. Kế hoạch này thậm chí còn được coi là nằm trong nỗ lực cải thiện tình hình an ninh quốc gia của Mỹ. Một số quan chức Nhà Trắng tiết lộ với truyền thông Mỹ rằng kế hoạch mang tên "Sáng kiến cải cách kiểm soát xuất khẩu" (Export Control Reform Innitiative - ECRI) của Tổng thống đang được một số bộ, ngành chức năng thảo luận và có thể phải mất nhiều tháng mới hoàn tất. ECRI là một phần trong chủ trương của Tổng thống Obama muốn cải tổ bộ quy định về xuất khẩu có từ thập niên 70 của thế kỷ trước, trong đó có những điều khoản cấm bán vũ khí và thiết bị chiến tranh cho những quốc gia bị Mỹ xác định là có nguy cơ đe dọa tới an ninh quốc gia của Mỹ.
Chiến đấu cơ F16 của Mỹ. Ảnh: Internet. |
Theo các quy định hiện hành, có hai danh mục kiểm soát xuất khẩu vũ khí do Bộ Thương mại và Bộ Ngoại giao kiểm soát riêng, trong đó các loại vũ khí nằm trong danh sách của Bộ Ngoại giao được kiểm soát nghiêm ngặt hơn. Đề xuất cải tổ có thể chuyển một số trang thiết bị không phải là súng tự động hoặc vũ khí quân sự từ danh sách kiểm soát đạn dược của Bộ Ngoại giao sang danh sách của Bộ Thương mại để ít phải chịu các điều kiện hạn chế hơn.
Hiệp hội súng thể thao quốc gia của Mỹ (NSSF) - đại diện cho các nhà chế tạo súng của Mỹ, ủng hộ sáng kiến nới lỏng xuất khẩu vũ khí của Nhà Trắng. Một số quan chức chính quyền cho rằng việc nới lỏng các hạn chế xuất khẩu vũ khí sẽ cho phép Mỹ cung cấp cho các đồng minh và bạn hữu những vật tư chiến tranh cần thiết để góp phần bảo đảm an ninh chung. Tuy nhiên, ít nhất có hai cơ quan liên bang của Mỹ là Bộ An ninh Nội địa và Bộ Tư pháp đã chính thức bày tỏ mối quan ngại về sự thay đổi này, cho rằng nới lỏng việc kiểm soát xuất khẩu vũ khí có thể tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các băng nhóm buôn ma túy và khủng bố tìm kiếm các loại vũ khí có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ.