Trước đó cùng ngày, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran tuyên bố đã bắn hạ một máy bay do thám không người lái của Mỹ xâm phạm không phận nước này.
Tư lệnh Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, Tướng Hossein Salami tuyên bố lực lượng của ông "đã sẵn sàng chiến tranh" và việc bắn hạ chiếc máy bay xâm phạm vùng trời là "thông điệp rõ ràng" với người Mỹ.
Phía Iran khẳng định chiếc RQ-4 Global Hawk bị bắn rơi trên bầu trời thành phố duyên hải miền nam Iran là Hormozgan, song một quan chức Mỹ cho biết đó là một chiếc MQ-4C Triton của Hải quân Mỹ đang hoạt động trên không phận quốc tế.
Xem video Hải quân Mỹ và nhà sản xuất Northrop Grumman tiến hành chuyến bay thử nghiệm với phi cơ do thám tiên tiến MQ-4C Triton (Nguồn: Northrop Grumman)
Quân đội Mỹ được cho là đã triển khai một quả tên lửa độ chính xác cao nhằm phá hủy chiếc máy bay, do việc để mất phi cơ do thám không chỉ gây quan ngại về năng lực vũ khí của Tehran mà còn về nguy cơ lộ bí mật quân sự nếu chiếc máy bay sẽ bị Iran "mổ xẻ" để tìm hiểu công nghệ.
Chiếc máy bay nói trên trên hoạt động ở độ cao trên 15.000 mét, có tầm hoạt động lên tới 15.000km và được trang bị nhiều cảm biến quang học/hồng ngoại. Đây được cho là chiếc máy bay đầu tiên loại này của Mỹ bị bắn hạ.
Vào năm 2008, Bộ Quốc phòng Mỹ và Northrop Grumman đã ký một hợp đồng dài hạn trị giá 1,164 tỷ đô la dành cho việc phát triển và xây dựng các loại máy bay không người lái tiên tiến có thể thay thế cho các loại máy bay trinh sát do phi công điều khiển.
Sau một thời gian làm việc tích cực các nhà nghiên đã cho ra mắt máy bay không người lái MQ-4C Triton. Chiếc máy bay này hoàn thành chuyến bay đầu tiên vào tháng 10/2014 và sau 2 năm thử nghiệm Hải quân Mỹ đã đặt hàng loạt UAV (máy bay không người lái) này. Tuy nhiên đến tận tháng 5/2018, máy bay do thám tầm cao MQ-4C Triton mới được chính thức giới thiệu.
Quân đội Mỹ lên kế hoạch vận hành phi đội gồm trên 60 chiếc máy bay loại này từ năm 2032.
Vụ Iran bắn hạ chiếc MQ-4C xảy ra trong bối cảnh căng thẳng đang dâng cao giữa Tehran và Washington xung quanh các lệnh trừng phạt kinh tế mà Mỹ áp đặt cũng như cáo buộc Iran tấn công các tàu chở dầu gần Eo biển Hormuz.
Sau vụ các tàu chở dầu bị tấn công trên Vịnh Oman, ngày 17/6, Mỹ đã quyết định tăng cường 1.000 binh sĩ tới Trung Đông. Lầu Năm góc tuyên bố việc triển khai quân bổ sung này nhằm mục đích phòng thủ trước những mối đe dọa trên biển, trên không và trên bộ ở Trung Đông.
Trước đó, ngày 16/6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết nước này "đang cân nhắc mọi lựa chọn" giữa lúc quan hệ với Iran gia tăng căng thẳng, trong đó có cả những lựa chọn quân sự.