Ngày 20/6, phái đoàn thường trực của Nga tại Liên hợp quốc đã xác nhận thông tin này. Thư ký thứ nhất phái đoàn thường trực của Nga tại Liên hợp quốc Fedor Strzhizhovskiy nêu rõ: “Nga sẽ duy trì hoạt động hiệu quả trong Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc để duy trì đối thoại cân bằng và hợp tác trong lĩnh vực nhân quyền. Vì mục đích này, Nga đã ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2021-2023”.
Quang cảnh Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: Reuters |
Bên cạnh đó, hãng Sputnik (Nga) đưa tin phái đoàn thường trực của Nga tại Liên hợp quốc đánh giá rằng việc Mỹ cáo buộc Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc bị chính trị hóa dường như là “hành động nhạo báng”.
Phái đoàn thường trực của Nga nhận xét: “Dường như Mỹ muốn biến Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thành công cụ quảng bá lợi ích của Washington đồng thời trừng trị những quốc gia khác. Trong trường hợp này, Mỹ cố tình buộc tội toàn bộ thế giới chính trị hóa Hội đồng Nhân quyền”.
Phái đoàn thường trực của Nga nhấn mạnh rằng mặc dù Hội đồng Nhân quyền LHQ vẫn tồn tại nhiều điểm cần cải thiện nhưng đây là nền tảng quốc tế then chốt cho hợp tác trong lĩnh vực nhân quyền.
Quan chức Nga cũng bày tỏ hy vọng cơ quan này sẽ hạn chế việc áp đặt các tiêu chuẩn kép và ít bị chính trị hóa hơn, đồng thời khẳng định hoạt động của Hội đồng Nhân quyền LHQ sẽ không bị ảnh hưởng vì sự ra đi của Mỹ.
Kênh CNN cho biết vào ngày 19/6, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley tuyên bố Washington chính thức rút khởi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.
Tuyên bố này được đưa ra chỉ một ngày sau khi Cao ủy Liên hợp quốc về Nhân quyền chỉ trích Mỹ đã chia rẽ những em nhỏ nhập cư khỏi cha mẹ ở biên giới Mỹ-Mexico.
Bà Haley cho biết: “Tôi muốn làm rõ rằng bước đi này không đồng nghĩa với việc rút khỏi cam kết về nhân quyền”. Bà Haley còn đánh giá rằng đã xuất hiện định kiến với Israel tại Hội đồng Nhân quyền LHQ.
Hội đồng Nhân quyền LHQ có trụ sở ở Geneva (Thụy Sĩ) với 47 quốc gia thành viên.