Trong một cuộc phỏng vấn, Ngoại trưởng Pompeo thông báo Mỹ hiện đang xem xét một thỏa thuận với Chính phủ Afghanistan, khẳng định: “Chúng tôi cũng có thể ký thỏa thuận với các bên khác, trong đó có cả Taliban”.
Trước đó, ngày 4/9, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cũng thông báo cho giới chức các đồng minh châu Âu về dự thảo thỏa thuận hòa bình với phiến quân Taliban tại Afghanistan. Ông đồng thời nêu rõ thỏa thuận cuối cùng nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài nhất trong lịch sử nước Mỹ vẫn đang trong quá trình xem xét.
Trao đổi với các phóng viên, Bộ trưởng Esper nhấn mạnh các cuộc thương lượng vẫn đang diễn ra. Người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng từ chối thông tin chi tiết về thời điểm diễn ra đợt rút quân đầu tiên của quân đội Mỹ khỏi Afghanistan hay mức độ tin tưởng của ông vào khả năng phiến quân Taliban tuân thủ bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào.
Theo dự thảo thỏa thuận hòa bình đã nhất trí với lực lượng phiến quân Taliban, Mỹ có kế hoạch rút 5.000 binh sĩ khỏi Afghanistan và đóng cửa 5 căn cứ quân sự trong vòng 135 ngày.
Đổi lại việc Mỹ rút quân, Taliban cam kết không cho phép các tổ chức khủng bố như mạng lưới quốc tế al-Qaeda hoặc tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng lợi dụng Afghanistan làm "bàn đạp" để tiến hành các vụ tấn công vào Mỹ và những nước đồng minh.
Tuy nhiên, giới chức Afghanistan chỉ trích thỏa thuận hòa bình giữa Mỹ là Taliban, bởi trên thực tế một thỏa thuận hòa bình đầy đủ nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài hơn 18 năm nay tại quốc gia châu Á này hoàn toàn phụ thuộc vào các cuộc đàm phán trong nội bộ Agghanistan.
Cho tới nay Taliban vẫn từ chối đàm phán với Chính phủ Afghanistan, bác bỏ lời kêu gọi ngừng bắn, đồng thời đẩy mạnh các cuộc tấn công nhằm vào chính quyền Afghanistan.