Đây là cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên kể từ sau khi nguyên thủ quốc gia hai nước nhất trí "đình chiến thương mại" tại một cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu nhất thế giới (G20) ở Osaka (Nhật Bản) tháng 6 vừa qua.
Đây cũng là lần đầu tiên đàm phán thương mại Mỹ - Trung diễn ra bên ngoài các trung tâm tài chính, và thành phố Thượng Hải có vị trí khá đặc biệt trong quan hệ Trung - Mỹ. Năm 1972, khi Tổng thống Mỹ Richard Nixon tiến hành chuyến thăm "phá băng" tới Trung Quốc, hai bên đã ra "Thông cáo Thượng Hải" về khởi động quá trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao song phương sau hơn 2 thập kỷ bất hòa. Lần này tại Thượng Hải, các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc đang tìm cách "bình thường hóa" quan hệ thương mại song phương.
Trong hơn 1 năm qua, hai bên đã tiến hành 11 vòng đàm phán thương mại cấp cao. Vòng đàm phán gần đây nhất (hồi tháng 5) đã đổ vỡ, với việc Washington cáo buộc Bắc Kinh đổi ý về những cam kết giữa hai bên, theo đó phía Trung Quốc muốn điều chỉnh một số điểm trong dự thảo thỏa thuận thương mại đã được xây dựng sau 10 vòng đàm phán.
Trước thềm vòng đàm phán mới, phía Trung Quốc bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ thực hiện đầy đủ các cam kết của mình và tạo điều kiện tích cực cho vòng đàm phán này, trong khi đó Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow nhận định việc hai bên nối lại đàm phán thương mại đang bế tắc là "dấu hiệu tốt", đồng thời bày tỏ hy vọng Bắc Kinh sẽ sớm thu mua lại nông sản của Mỹ.
Mặc dù vậy, kỳ vọng đạt tiến bộ tại cuộc đàm phán này không cao, nhất là khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng các nhà đàm phán Trung Quốc sẽ trì hoãn đạt được thỏa thuận cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm tới.
Vài ngày trước khi vòng đàm phán Thượng Hải bắt đầu, ông Trump đã dọa không thừa nhận vị thế quốc gia đang phát triển của Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), khiến Bắc Kinh đáp lại bằng chỉ trích động thái của Mỹ là "ích kỷ".
Theo kế hoạch, cuộc đàm phán Thượng Hải sẽ kéo dài 2 ngày 30-31/7. Thông báo của Nhà Trắng cho biết vòng đàm phán này sẽ gồm nhiều vấn đề như sở hữu trí tuệ, áp đặt chuyển giao công nghệ, các rào cản phi thuế quan, nông nghiệp, dịch vụ, thâm hụt thương mại và thực thi pháp luật.
Các quan chức và chủ doanh nghiệp hy vọng tại cuộc đàm phán này, Washington và Bắc Kinh ít nhất có thể đưa ra các cam kết chi tiết về các hành động "thiện chí" và mở đường cho các cuộc đàm phán tiếp theo. Các cam kết này có thể bao gồm việc Trung Quốc mua nông sản Mỹ và Mỹ cho phép các công ty mua một số thiết bị của tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei của Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 10/5 đã áp mức thuế bổ sung, tăng từ 10% lên 25%, đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD. Ông chủ Nhà Trắng còn cảnh báo áp thuế 25% đối với toàn bộ hàng hóa còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc có giá trị khoảng 325 tỷ USD. Đáp lại, từ ngày 1/6, Trung Quốc đã tăng thuế đối với 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.