Ca phẫu thuật diễn ra trong 4 giờ vào ngày 16/3 vừa qua. Bệnh nhân Richard "Rick" Slayman là nam giới, 62 tuổi, sống tại Weymouth, bang Massachusetts. Bệnh viện cho biết hiện ông đang phục hồi tốt và dự kiến có thể sớm xuất viện. Thận lợn cấy ghép cho ông Slayman đã được chỉnh sửa gene bằng công nghệ CRISPR-Cas9 để loại bỏ các gene có hại ở lợn và bổ sung các loại gene nhất định của người để cải thiện khả năng tương thích sau khi được cấy ghép vào cơ thể người.
Trước đó, ông Slayman đã được ghép thận tại bệnh viện Massachusetts năm 2018 nhưng phải chạy thận nhân tạo trở lại vào năm ngoái. Theo ông Slayman, khi các biến chứng do chạy thận nhân tạo xuất hiện, các bác sĩ đã đề nghị ông ghép thận của lợn. Ông cho rằng đây không chỉ là cách giúp ông mà còn có thể mang lại hy vọng cho hàng nghìn người cần được ghép nội tạng để sống sót.
Ca phẫu thuật thành công nói trên đánh dấu sự phát triển mới nhất trong lĩnh vực mới nổi xenotransplantation – cấy ghép nội tạng hoặc mô từ loài này sang loài khác. Đây được coi là giải pháp tiềm năng cho tình trạng thiếu hụt nội tạng cấy ghép trên toàn thế giới. Bệnh viện Massachusetts còn cho rằng đây là một “cột mốc quan trọng” trong nỗ lực cung cấp nội tạng cấy ghép sẵn có hơn cho bệnh nhân. Bệnh viện hy vọng phương pháp cấy ghép này sẽ mang lại sự sống cho hàng triệu bệnh nhân đang bị suy thận trên thế giới.
Theo Mạng lưới Chia sẻ nội tạng Mỹ, hơn 100.000 người ở nước này đang chờ được ghép tạng, trong đó hầu hết là bệnh nhân thận. Hiện tại Mỹ, mỗi ngày có 17 người không qua khỏi do không được ghép tạng.
Theo Hiệp hội Thận học Mỹ, nhu cầu ghép thận hiện ở mức cao nhất trong các ca chờ ghép tạng và tỷ lệ bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối tại Mỹ ước tính sẽ tăng từ mức 29% lên 68% vào năm 2030.