Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Kế hoạch tăng tốc chuyển đổi năng lượng (ETA), lần đầu tiên được công bố tại Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) được tổ chức tại Ai Cập vào tháng 11/2022, đang được Mỹ phát triển cùng với Quỹ Trái đất Bezos và Quỹ Rockefeller để huy động các nguồn vốn tư nhân.
Phát biểu tại Diễn đàn Năng lượng Toàn cầu của Hội đồng Đại Tây Dương diễn ra ngày 15/1 tại Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), ông Kerry nêu rõ mục tiêu của ETA là tạo ra các thỏa thuận khả thi về tài chính để đẩy nhanh nỗ lực cắt giảm lượng khí thải, đồng thời nhấn mạnh ETA không phải là sự thay thế cho các nguồn tài trợ khác. Theo ông, các nguyên tắc của ETA cũng kêu gọi một cách tiếp cận ngắn hạn, toàn diện và bao trùm để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững rộng lớn hơn và hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng trong toàn ngành điện.
Ông Kerry cũng chỉ trích tình trạng thiếu đầu tư vào các nỗ lực chuyển đổi năng lượng toàn cầu, nói rằng hiện các nước không đủ nguồn lực tài chính để đạt được các mục tiêu phát thải ròng bằng không. Trong báo cáo Triển vọng Năng lượng Thế giới công bố năm ngoái, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng đầu tư vào năng lượng tái tạo cần tăng gấp đôi lên hơn 4.000 tỷ USD vào cuối thập kỷ này để đáp ứng các mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050. IEA dự báo đầu tư vào năng lượng sạch sẽ tăng lên hơn 2.000 tỷ USD vào năm 2030.
Năm 2009, các nước phát triển đã cam kết huy động nguồn tài chính khí hậu tổng cộng 100 tỷ USD/năm vào năm 2020 để hỗ trợ các nước đang phát triển cắt giảm khí thải và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, ông Kerry thừa nhận: "Chúng tôi chưa bao giờ có đầy đủ số tiền 100 tỷ USD như đã hứa. Tôi lấy làm tiếc rằng chúng tôi đã không thể thực hiện được điều này". Ông cho hay các tổ chức tài chính sẵn sàng đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo mới, nhưng họ đang phải đối mặt với những rào cản về chính trị và tiền tệ cũng như các rủi ro thiên tai.