Mỹ thử tên lửa phóng từ 'thùng hàng' ở Bắc cực nhằm răn đe Nga

Quân đội Mỹ tiến hành thử nghiệm tên lửa hành trình tầm xa phóng từ thùng hàng Rapid Dragon đặt trên máy bay vận tải. Cuộc thử nghiệm diễn ra trên bầu trời Vòng Bắc Cực, được cho là nhằm răn đe Nga.

Chú thích ảnh
Một chiếc MC-130J Commando II thuộc Cánh tác chiến đặc biệt 352 - Không quân Mỹ phóng đạn Rapid Dragon trong cuộc trình diễn ngoài khơi bờ biển Na Uy, ngày 9/11/2022. Ảnh: Defense.gov

Theo đài RT, quân đội Mỹ đã phóng thử một hệ thống phóng tên lửa hành trình thử nghiệm trên bầu trời Vòng Bắc Cực ngày 9/11. Chỉ huy cuộc thử nghiệm gọi đây là một động thái có chủ ý "khiêu khích" nhằm mục đích răn đe Nga.

Hoạt động nói trên bao gồm việc thả hệ thống vũ khí "Rapid Dragon", giống như một thùng hàng, mang theo một tên lửa hành trình tầm xa từ một máy bay vận tải C-130 của Lực lượng Tác chiến đặc biệt, gắn với những chiếc dù giảm tốc rơi xuống cho đến khi động cơ tên lửa nổ tung nhằm vào mục tiêu. Hệ thống triển khai vũ khí Rapid Dragon được phát triển bởi Không quân Mỹ cùng với hãng Lockheed Martin, và sự kiện hôm 9/11 đánh dấu màn trình diễn đầu tiên của nó ở châu Âu.

Xem máy bay vận tải MC-130J thả hệ thống Rapid Dragon để triển khai tên lửa hành trình (Nguồn: Twitter)

Rapid Dragon là một mô-đun vũ khí xếp chồng lên nhau, được phóng từ máy bay chở hàng và triển khai các loại vũ khí bay, điển hình là tên lửa hành trình. Các "hộp triển khai" cung cấp một phương pháp chi phí thấp, cho phép máy bay chở hàng C-130 hoặc C-17 được tái sử dụng như máy bay ném bom độc lập, có thể phóng hàng loạt bất kỳ biến thể nào của tên lửa hành trình AGM-158 JASSM tầm xa hoặc tầm ngắn chống lại các mục tiêu trên bộ hoặc hải quân.

Hệ thống Rapid Dragon đã được sử dụng thành công với máy bay chở hàng 130 và C-17 tấn công các mục tiêu trên bộ và trên biển bằng các phiên bản thử nghiệm và vũ trang JASSM-ER.

Việc lựa chọn Dải vũ trụ Andoya của Na Uy làm nơi thực hiện vụ phóng là có chủ ý. Nằm chệch khoảng hai độ về phía bắc của Vòng Bắc Cực, Dải vũ trụ Andoya nằm ở rìa phía tây xa xôi của một khu vực có tầm quan trọng về quân sự và kinh tế đối với Nga.

Trung tá Lawrence Melnicoff, chỉ huy cuộc thử nghiệm của quân đội Mỹ, nói với tờ Stripes, cuộc thử nghiệm diễn ra “trong phạm vi của Nga. Chúng tôi đang cố gắng ngăn chặn Nga, [và] hành vi bành trướng, bằng cách thể hiện năng lực được tăng cường của các đồng minh [NATO]."

Khoảng 50% đường bờ biển Bắc Cực là lãnh thổ của Nga, và quân đội nước này thường xuyên tập trận trong môi trường âm độ.

Nga đặt phi đội máy bay ném bom chiến lược tại các căn cứ trên Bán đảo Kola, chỉ cách hơn 500 km về phía đông của địa điểm thử nghiệm hôm 9/11. Hồi tháng 10, Moskva cũng đã thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Yars có khả năng mang hạt nhân tại một sân bay vũ trụ ở Arkhangelsk, xa hơn về phía đông nam, và tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật với tên lửa chống hạm ở những vùng xa nhất về phía đông bắc đất nước một tháng trước đó.

Washington coi ảnh hưởng của mình ở Bắc Cực đang bị Nga đe dọa. Chiến lược quốc gia về Bắc Cực trong 10 năm của Mỹ, được công bố vào tháng trước, coi việc hợp tác với Moskva ở vùng cực là “hầu như không thể” và kêu gọi gia tăng sự hiện diện quân sự của Mỹ ở phía trên Vòng Bắc Cực.

Tuy nhiên, vào đầu năm nay, Bộ trưởng Phát triển vùng Viễn Đông và Bắc Cực của Nga, Aleksey Chekunkov, nói rằng “các nước phương Tây có ý định biến Bắc Cực thành một chiến trường khác”, trong khi đối với Nga, đây là “không gian hợp tác”. Phát biểu với RIA Novosti vào tháng 6, ông Chekunkov tuyên bố rằng những nỗ lực nhằm chia cắt Bắc Cực là nguy hiểm và thiển cận, đồng thời cũng mâu thuẫn với lợi ích an ninh toàn cầu.

 

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo RT, Wikipedia)
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN