Mỹ thất bại trong chương trình huấn luyện phe nổi dậy Syria

Chương trình huấn luyện lực lượng nổi dậy Syria mà Mỹ thực hiện đã thất bại. Tướng Lloyd Austin, Tư lệnh Bộ chỉ huy Trung tâm Mỹ, cho biết chỉ còn rất ít tay súng thuộc lực lượng nổi dậy Syria do Mỹ huấn luyện ở lại tham gia chiến đấu chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.


Khói bay lên sau một trận không kích của quân đội chính phủ Syria nhằm vào phiến quân tại thành phố Ariha, tỉnh Idlib ngày 19/9. Ảnh: Reuters/TTXVN


Trước đó, có ít nhất 5.400 người từng tham gia các khóa đào tạo do chuyên gia của Cục Quân báo Mỹ (DIA) thực hiện tại Thổ Nhĩ Kỳ, khai giảng hồi tháng 5/2015. Chương trình huấn luyện và trang bị này có kinh phí lên tới 500 triệu USD và được coi là một trong những "quân át chủ bài" chiến lược của Mỹ chống IS tại Syria. Đối tượng tham gia đào tạo là những người nổi dậy không có tư tưởng cực đoan, các chiến binh vừa chống IS, vừa chống chính quyền của Tổng thống Bashar al - Assad.

Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn, kế hoạch đã bị đổ bể. Trong số hàng nghìn người tới đăng ký ở Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan, chỉ có khoảng 100 người lọt qua được vòng kiểm tra đầu tiên, những người khác bị loại vì không đủ tin cậy. Để tránh bị thất bại như chương trình huấn luyện lực lượng vũ trang địa phương tại Afghanistan hay Iraq, tình báo Mỹ đã tăng cường kiểm soát các ứng viên.

Tuy nhiên, khi quá trình huấn luyện vừa mới bắt đầu với những bài tập đơn giản - đó là làm thế nào để sử dụng súng RPG, pháo hay tiểu liên M - 16 - nhân viên DIA đã nhanh chóng phát hiện ra nhiều trường hợp sử dụng nhân thân giả, chưa đủ 18 tuổi theo yêu cầu hoặc nói dối về động cơ tham gia chống IS. Rất nhiều trường hợp đã bị loại.

Tháng 7/2015, khoảng hơn một chục người trong số 54 người đầu tiên hoàn thành khóa huấn luyện theo dự kiến sẽ được đưa trở lại Syria để tăng cường cho sư đoàn 30 của một tổ chức nổi dậy thân phương Tây hoạt động ở vùng Tây Bắc. Tranh thủ dịp lễ kết thúc tháng ăn chay Ramadan, một số về thăm nhà. Họ đã bị lực lượng Hồi giáo cực đoan thuộc Mặt trận al - Nusra, một nhánh của al-Qaeda, nhận dạng và bắt cóc.

Vài ngày sau, hai chỉ huy của nhóm lính mới vội vã rời Thổ Nhĩ Kỳ để tìm cách trấn an ban lãnh đạo Mặt trận al-Nusra rằng những người tham gia chương trình huấn luyện của Mỹ chỉ có mục tiêu chống lại IS. Khi vừa đặt chân tới Syria, đến lượt họ cũng bị bắt cóc. Ngày hôm sau, lực lượng Hồi giáo cực đoan tấn công Bộ chỉ huy của Sư đoàn 30.

Bộ Quốc phòng Mỹ đã nhanh chóng rút ra những bài học đầu tiên từ thất bại cay đắng trên, đó là học viên không được chuẩn bị đầy đủ, lực lượng được phái vào Syria quá ít, thiếu những thông tin tình báo cần thiết, thiếu sự hỗ trợ của dân chúng. Theo "Thời báo New York" (Mỹ) số ra hồi tuần trước, Lầu Năm Góc đang xây dựng kế hoạch mới để tổ chức lại chương trình huấn luyện.

Một trong những hướng đi là cắt giảm bộ máy huấn luyện, những người tham gia chương trình chỉ cần tập trung vào nhiệm vụ cung cấp thông tin cho không quân của liên minh mở các cuộc không kích nhằm vào IS. Các nhà hoạch định chiến lược Mỹ cũng thừa nhận rằng mục tiêu huấn luyện 5.000 chiến binh nổi dậy là không thực tế.

Washington không loại trừ việc cử các chuyên gia huấn luyện tới Syria. Tướng Kevin J.Killea, Chỉ huy trưởng các chiến dịch đặc biệt của lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ, nói: “Chúng tôi không có hệ thống kiểm soát và chỉ huy trực tiếp đối với những người đã được huấn luyện một khi họ đã được đưa trở lại Syria”.

Ngoài ra, còn có những lỗ hổng trong công tác tuyển dụng ban đầu. Quy trình này thường bắt đầu với chỉ huy các nhóm nổi dậy nhỏ hoạt động tại các địa phương. Họ sẽ giới thiệu cho tình báo quân sự Mỹ danh sách ứng viên, phần lớn có xuất thân từ dòng Hồi giáo Sunni - tôn giáo chiếm đa số trong lực lượng nổi dậy chống chính quyền Tổng thống Assad. Thế nhưng, Mỹ lại chọn một người gốc Thổ làm chỉ huy. Theo đánh giá của một số người, đó là do sức ép từ phía Ankara.

Cho dù ở Thổ Nhĩ Kỳ hay Jordan, tình báo Mỹ đều buộc phải phối hợp với các đồng minh tại địa phương. Cơ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ muốn được quyền giám sát lực lượng nổi dậy, trong khi tại Jordan, tình báo Saudi Arabia có đại diện tại các trung tâm huấn luyện.

Cả hai nước đều muốn Washington chỉ tập trung đào tạo cho các nhóm nổi dậy gần gũi với họ. Đặc biệt, Thổ Nhĩ Kỳ luôn từ chối sự hiện diện của bất kỳ người Kurd nào ở trong khu vực này vì Thổ Nhĩ Kỳ coi đó là kẻ thù của họ, trong khi đây lại là đồng minh quan trọng của Mỹ trong cuộc chiến đẩy lùi IS hiện nay.

Tiến Nhất (Theo "Le Figaro" )
Khủng hoảng Syria: Nga đi nước cờ làm thay đổi cuộc chơi-Kỳ 1
Khủng hoảng Syria: Nga đi nước cờ làm thay đổi cuộc chơi-Kỳ 1

Khi quyết định tăng mức “tiền cược” vào ván bài mới, Tổng thống Nga Vladimir Putin hy vọng sẽ ngăn cản phương Tây không đi quá giới hạn trong vấn đề Syria. Tăng cường hiện diện quân sự ở mức có giới hạn và tránh đưa quân tham chiến trực tiếp, Nga đã buộc Mỹ và các đồng minh phải thay đổi quan điểm đối với khủng hoảng Syria.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN