Thông tin được công bố tại thời điểm Thủ tướng Benjamin Netanyahu cùng giới lãnh đạo chóp bu quân đội, tình báo Israel có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin, thảo luận cách thức tránh va chạm giữa các lực lượng của Nga và Israel hoạt động tại Syria. Chuyến thăm của phái đoàn Israel diễn ra trong bối cảnh Nga trong vài tuần trở lại đây tăng cường ảnh hưởng quân sự tại Syria thông qua hoạt động cung cấp vũ khí, hỗ trợ chuyên gia quân sự, khiến Mỹ, Israel và châu Âu quan ngại.
Nga đang nâng cấp Tartus thành căn cứ hải quân quy mô lớn. Ảnh: Dailymail |
Theo tờ Kommersant, Nga đã triển khai tới 1.7000 chuyên gia quân sự tới cảng Tartus, cách Latakia khoảng 90 km. Đây là một sự gia tăng mang tính đột biến, vì trước đó chỉ có một nhóm nhỏ các binh sĩ, nhà thầu dân sự hiện diện tại đây. “Họ đang tiếp nhận trang thiết bị, bảo vệ cảng và tổ chức lại cầu tàu”, một binh sĩ đóng tại Tartus chia sẻ và nói thêm là số chuyên gia tại Tartus sẽ được đồn trú luân phiên theo thời hạn 3 tháng. Một nguồn tin ở Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nga xác nhận thông tin này, đồng thời tiết lộ việc mở rộng Tartus thành căn cứ hải quân quy mô lớn là để tiếp nhận được các loại tàu khu trục, tàu đổ bộ, tàu vận tải cỡ lớn hoạt động trên Địa Trung Hải và không liên quan đến việc Nga tăng cường can dự vào cuộc nội chiến ở Syria.
Giới phân tích nhận định, căn cứ Tartus không chỉ cần thiết cho hoạt động hỗ trợ chính quyền Syria, mà còn giúp Nga gia tăng ảnh hưởng ở đông Địa Trung Hải. Nga bắt đầu cung cấp vũ khí cho Syria từ năm 1956 và đến năm 1991 với tổng giá trị chuyển giao đã lên tới 26 tỉ USD. Sau khi Liên Xô sụp đổ, các hợp đồng mua bán tiếp tục được thực hiện, dù giá trị không được công bố. Kể từ năm 2010 đến nay, Nga đã bán cho Syria nhiều loại vũ khí hạng nặng như hệ thống tên lửa phòng thủ bờ Bastion, xe tăng T-80 và tiêm kích Su-27.
Từ năm 1971, Tartus đã là đầu cầu quan trọng của Liên Xô trong việc chuyển giao vũ khí trang bị cho Syria theo một hợp đồng cho thuê được hai bên cứ kết. Tuy nhiên, chức năng chủ yếu của Tartus khi đó chỉ là nơi dừng đỗ của các đội tàu di chuyển qua lại Địa Trung Hải. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga đã phải đóng cửa, hoặc giảm bớt quy mô của các căn cứ ở nước ngoài và Tartus cũng không phải là ngoại lệ. Nga ít khi dùng tới cơ sở này, không nâng cấp, cải tạo và Tartus không thể tiếp nhận các loại tàu cỡ lớn. Cầu tàu duy nhất tại đây chỉ đủ sức chứa tàu đại dương nhỏ nhất của Nga.
Năm 2010, Tư lệnh Hải quân Nga công bố kế hoạch nâng cấp cảng Tartus, cho phép cả tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov ra vào dễ dàng. Dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2012 theo hai giai đoạn: Xây một căn cứ quân sự và mở rộng các cơ sở hải quân. Thế nhưng, cuộc nội chiến Syria bùng phát năm 2011 đã làm ngưng trệ mọi dự định. Hiện nay, khi Nga gia tăng can dự vào Syria thì số phận của Tartus mới lại được xới lên.
Yury Barmin, chuyên gia về quân sự và chính trị Trung Đông nhìn nhận, căn cứ Tartus sẽ giúp Nga vận chuyển vũ khí, khí tài tới Syria một cách dễ dàng, vì các tàu của Nga hiện nay chủ yếu là cập cảng Latakia – khu vực đang bị quân nổi dậy tấn công mạnh. Ở tầm chiến lược, Tartus sẽ giúp Nga phóng tầm ảnh hưởng ra Địa Trung Hải – một vùng biển chiến lược mà Nga sẽ tăng cường hiện diện trong tương lai, theo tinh thần Học thuyết hải quân mới được công bố hồi tháng 7 vừa qua.
Còn theo Theodore Karasik, chuyên gia quân sự, địa chính trị làm việc tại Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Tartus sẽ là một mắt xích trong cả chuỗi các căn cứ, quân cảng quan trọng mà Nga đang tìm cách thiết lập trong thời gian tới: ở Syria, miền bắc đảo Cyprus, Ai Cập, Libya và thậm chí là cả ở Hy Lạp. Đó sẽ là một hệ thống trục hàng hải chạy dọc Địa Trung Hải, Biển Đỏ, Vịnh Oman giúp Nga gia tăng ảnh hưởng trên thế giới.