Mỹ tái định hình 'lực lượng thực thi pháp luật' toàn cầu

Chính quyền Tổng thống Trump đang thay đổi ưu tiên thực thi pháp luật quốc tế, tập trung vào các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia thay vì tịch thu tài sản của giới tài phiệt Nga.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh tại Nhà Trắng. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Theo Đài phát thanh châu Âu tự do (RFE/RL) ngày 8/2, quyết định của Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Pam Bondi về việc đóng cửa đơn vị đặc biệt KleptoCapture, tập trung vào việc tịch thu tài sản của các nhà tài phiệt Nga, phản ánh sự thay đổi mạnh mẽ trong các ưu tiên thực thi pháp luật quốc tế dưới thời chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump. 

KleptoCapture được thành lập sau cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào năm 2022 và đã "tịch thu hoặc đưa ra phán quyết tịch thu gần 700 triệu USD tài sản từ những người bị cáo buộc hỗ trợ Nga và buộc tội hơn 70 cá nhân vi phạm lệnh trừng phạt quốc tế và kiểm soát xuất khẩu áp dụng đối với Moskva".

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bondi đã công bố "một sự thay đổi cơ bản về tư duy và cách tiếp cận". Bà tuyên bố rằng các khoản tiền hiện được phân bổ cho việc tịch thu tài sản của giới tài phiệt và thực thi lệnh trừng phạt sẽ được sử dụng cho mục đích "loại bỏ hoàn toàn các tổ chức Cartel và TCO", ám chỉ các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia.

Điều này báo hiệu sự ưu tiên lại, hướng đến tập trung vào các băng đảng ma túy, vấn đề được nêu bật trong chiến dịch tranh cử của ông Trump. Bà Bondi cũng đã chấm dứt hoạt động của "Lực lượng đặc nhiệm chống ảnh hưởng nước ngoài" và "Sáng kiến ​​thu hồi tài sản của các chế độ tham nhũng".

Gary Kalman, Giám đốc điều hành Mỹ của tổ chức giám sát chống tham nhũng Minh bạch Quốc tế (Transparency International), cho biết việc xóa bỏ KleptoCapture và Sáng kiến ​​thu hồi tài sản Kleptocracy "sẽ làm giảm đáng kể khả năng của Mỹ trong việc chống lại nạn tham nhũng xuyên quốc gia vốn tiếp tục đe dọa đến an ninh cốt lõi và lợi ích kinh tế của Mỹ".

Về phần mình, Bộ trưởng Tư pháp Ukraine Olha Stefanishyna nói với RFE/RL rằng còn quá sớm để đưa ra "những tuyên bố đáng báo động" về động thái của Mỹ. "Tôi tin rằng khi chính quyền mới được củng cố, sẽ có cơ hội để thảo luận các vấn đề quan trọng. Theo tôi hiểu, vấn đề tài sản bị đóng băng cũng được chính quyền mới của Mỹ quan tâm. Do đó, tôi hy vọng rằng ngay khi các quan chức có liên quan được bổ nhiệm, chúng ta sẽ bắt đầu đối thoại", bà Stefanishyna nói thêm.

Trong khi đó, Andrew Adams, lãnh đạo đầu tiên của KleptoCapture, hiện đang làm việc tại công ty luật Steptoe có trụ sở tại Washington, D.C., cho biết: "Liệu chúng ta có đột nhiên chứng kiến ​​làn sóng tài sản của các nhà tài phiệt đổ vào Mỹ không? Tôi không nghĩ vậy". 

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo rferl.org)
Mỹ chưa sẵn sàng đàm phán về kiểm soát vũ khí hạt nhân
Mỹ chưa sẵn sàng đàm phán về kiểm soát vũ khí hạt nhân

Nga chưa nhận thấy có bất cứ tiến triển tích cực nào từ phía chính quyền mới của Mỹ trong vấn đề giải trừ vũ khí, đồng thời thấy rằng Mỹ chưa sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán nghiêm túc với Nga về việc kiểm soát vũ khí hạt nhân. Đây là phát biểu được ông Gennady Gatilov, Đại diện thường trực của Nga tại Liên hợp quốc ở Geneve, Thụy Sĩ, đưa ra trong một cuộc phỏng vấn mới đây với hãng tin RIA Novosti.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN