Mỹ sốt vó sau vụ tên lửa mất tích

Một tên lửa Hellfire của Mỹ dường như đã được chuyển tới Cuba sau khi mất tích trong một vụ vận chuyển thất bại, khiến giới chức Mỹ lo lắng công nghệ này sẽ được chia sẻ với Trung Quốc, Nga hay Triều Tiên.

Tờ The Wall Street Journal (WSJ) ngày 8/1 đưa tin: Dù tên lửa này không mang đầu đạn, nhưng nhà chức trách Mỹ đã buộc phải mở cuộc tra xem liệu việc thất lạc này là hành vi tội phạm hay chỉ đơn giản là một chuỗi những sai lầm. Bất chấp những bước tiến lịch sử trong quan hệ với Cuba trong năm vừa qua, Washington đã thất bại trong việc “đòi” lại và đưa tên lửa trở về Mỹ - WSJ dẫn lời các nguồn tin giấu tên nói.

Tên lửa Hellfire được phóng đi từ trực thăng vũ trang. Ảnh: WSJ

Theo WSJ, giới chức Mỹ không lo ngại việc Cuba sẽ tháo dỡ Hellfire – một tên lửa không đối đất thường được lắp trên trực thăng vũ trang. Thay vào đó, họ e sợ Havana sẽ chia sẻ công nghệ này với các nước đối thủ của Mỹ là Trung Quốc, Nga hay Triều Tiên. 

Hành trình bão táp bắt đầu từ năm 2014, khi tên lửa này được tập đoàn vũ khí Lockheed Martin chuyển từ sân bay quốc tế Orlando (Mỹ) tới Tây Ban Nha để phục vụ cho một cuộc tập trận của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Từ Tây Ban Nha, quả Hellfire này lại tiếp tục chuyến đi lòng vòng mà đích tới là trở về Mỹ, do một vài công ty vận tải biển thực hiện trong chặng đầu tiên. 

Nhân viên phụ trách bốc xếp hàng lên máy bay khi rời khỏi Madrid là người đầu tiên phát hiện ra sự cố. Rồi thì họ biết rằng tên lửa đã được chuyển lên xe tải của hãng hàng không Air France (Pháp), để đưa ra sân bay Charles de Gaulle. Từ đây, "hàng nóng" này được đưa lên máy bay tới Cuba. Tại thời điểm làm thủ tục kiểm soát ở Havana, một nhân viên đã nhận thấy nhãn hiệu tên lửa in trên thùng đóng hàng và tịch thu. Lockheed Martin thông báo vụ việc tới Bộ Ngoại giao Mỹ khi nhận thấy tên lửa mất tích trong khoảng thời gian tháng 6/2014. 

Cận cảnh một quả tên lửa Hellfire. Ảnh: AP

Nếu quả Helfire này được hướng lái có chủ đích tới Havana, thì đó sẽ là hành động vi phạm Luật Kiểm soát xuất khẩu vũ khí của Mỹ, thậm chí là cả các lệnh cấm vận nhằm vào Cuba ở thời điểm đó, WSJ bình luận. Vụ việc xảy ra khi Washington và Havana đang có bước đi nhằm khôi phục hoàn toàn các quan hệ ngoại giao, với tuyên bố chính thức đầu tiên vào tháng 12/2014. Mỹ và Cuba sau đó đã chính thức khôi phục quan hệ vào tháng 7 vừa qua, mở cửa trở lại các đại sứ quán ở thủ đô mỗi nước. 

Bộ Tư pháp Mỹ hiện đang tiến hành điều tra vụ việc. Các điều tra viên liên bang lần lại đường đi của tên lửa để xác minh liệu sự cố là hành động của tội phạm, gián điệp, hay là hậu quả của một loạt sai lầm ngớ ngẩn. "Có kẻ nào đó đã nhận hối lộ để chuyển nó đến địa điểm khác? Đó là hoạt động tình báo hay chỉ là sai lầm? Chúng tôi đang cố làm sáng tỏ vấn đề" - một quan chức Mỹ nói.

Tên lửa Hellfire được thiết kế để tiêu diệt nhiều loại mục tiêu khác nhau như xe bọc thép, tổ hợp phòng ngự của đối phương chỉ với một loại đầu đạn, với tầm bắn tới 8km. Được coi là tên lửa không đối đất nhưng trên thực thế, Hellfire có thể được phóng tàu và mặt đất. Đây là loại vũ khí uy lực, được Mỹ sử dụng nhiều trong cuộc chiến chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria.

Hoài Thanh (Theo AFP, WSJ)
Iran tiết lộ căn cứ tên lửa dưới lòng đất thứ 2
Iran tiết lộ căn cứ tên lửa dưới lòng đất thứ 2

Ngày 5/1, Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani đã khánh thành một căn cứ tên lửa dưới lòng đất mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN