Lực lượng đặc nhiệm Mỹ tại Al-Tanf tháng 11/2017. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ |
Thông tin trên được báo Newsweek dẫn bài viết trên báo Saudi Arabia Asharq Al-Awsat xuất bản lần đầu ngày 27/5. Theo báo Newsweek, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov ngày 29/5 cho biết Moskva “ủng hộ sáng kiến tổ chức cuộc họp ba bên”, trong đó Mỹ và đồng minh Trung Đông là Jordan ở bên phe đối lập với chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Quân đội của ông Assad đang lên kế hoạch mở một chiến dịch tấn công mới nhằm vào các lực lượng nổi dậy và thánh chiến tại phía nam Syria.
Cũng theo báo trên, để ngăn chặn leo thang căng thẳng giữa hai quốc gia vốn dĩ thù địch là Iran và Israel, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Satterfield đang nỗ lực đưa ra một đề xuất mở một cuộc họp ba bên, trong đó nội dung buổi họp có bàn về việc rút lui binh sĩ Syria cách biên giới Jordan 24 km. Cùng lúc, các tay súng nổi dậy sẽ được đưa về tỉnh Idlib và việc lưu thông qua biên giới Jordan-Syria sẽ được mở lại.
Để đổi lấy điều kiện đó, Mỹ phải đóng cửa căn cứ quân sự ở Al-Tanf – khu vực bị phe nổi dậy Syria kiểm soát ở gần biên giới Jordan và Iraq.
Phản ứng trước thông tin Mỹ sẽ đóng cửa căn cứ quân sự Al-Tanf, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Bogdanov phủ nhận và cho biết “không biết gì về thỏa thuận trên”. Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhấn mạnh “đang có những thứ rất lạ lùng xảy ra tại Al-Tanf”. Trước đó, ông này tố Mỹ 'thả cửa' cho phiến quân IS sống trong trại tị nạn Syria ở khu vực Al-Tanf.
Từ lâu nay, Nga luôn cáo buộc Mỹ sử dụng căn cứ quân sự Al-Tanf để làm lá chắn cho các phần tử thánh chiến có liên quan tới tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Phía Mỹ liên tục phủ nhận mọi cáo buộc và chỉ trích Nga hậu thuẫn Tổng thống Assad – người mà Mỹ và đồng minh phương Tây cáo buộc vi phạm tội ác chiến tranh.
Tuy nhiên, với sự trợ lực từ Nga và Iran, lực lượng vũ trang của Tổng thống Assad đã giải phóng được phần lớn lãnh thổ đất nước, với thành tích mới nhất là khu vực ngoại ô thủ đô Damascus.
Kể từ đó đến nay, quân đội Syria luôn đặt mục tiêu cao là giành lại quyền kiểm soát tỉnh Daraa phía tây nam nằm giữa biên giới Jordan và Cao nguyên Golan. Tuy nhiên sự xuất hiện của binh sĩ Iran đến giúp quân đội Syria tại khu vực đã làm tình hình căng thẳng với Israel.
Mặc dù với những tuyên bố chính thức, Israel luôn tỏ thái độ trung lập trong cuộc nội chiến kéo dài 7 năm ở Syria song quốc gia này cũng đã tiến hành nhiều cuộc không kích nhằm vào lãnh thổ Syria với lý do tiêu diệt các mục tiêu Iran và ủng hộ Iran.
Muốn duy trì quan hệ với cả hai nước, Nga luôn ở thế khó xử khi đứng giữa Iran và Israel. Truyền thông Israel cho rằng Nga có thể thuyết phục Syria không sử dụng lực lượng Iran hậu thuẫn và phong trào Hezbollah. Đổi lại, Israel sẽ hỗ trợ quân đội của ông Assad giành chiến thắng trong chiến dịch tấn công miền Nam Syria.
Tuy nhiên, cả Tehran và Damascus đều khẳng định họ không có kế hoạch rút quân Iran và lực lượng Hezbollah cho đến khi trận chiến chống IS và phe nổi dậy kết thúc.