Dự kiến trong những thập niên tới, F/A-18E/F sẽ song hành với dòng máy bay tàng hình F-35 trên bầu trời. Tuy nhiên, còn một vấn đề chưa dễ giải quyết.
Sputnik dẫn trang Military.com cho hay, việc hiện đại hóa Super Hornet cho phép máy bay này mang nhiều vũ khí hơn, phạm vi tác chiến rộng hơn và trang bị những thiết bị điện tử tinh vi hơn. Ngoài ra, biến thể hiện đại hóa này lại rẻ hơn bất kỳ biến thể F-35 nào. Tuy nhiên, F/A-18E/F và F-35 không cạnh tranh nhau trên bầu trời, mà liên kết với nhau vì Hải quân Mỹ muốn phối hợp giữa hai loại máy bay này nhằm tận dụng công nghệ tàng hình của F-35 để giúp những chiếc F/A-18E/F trở nên chính xác và nguy hiểm hơn trong chiến đấu.
Máy bay F-35 của Mỹ. Ảnh: Sputnik |
Nhưng đây lại là trở ngại lớn chưa thể giải quyết: Nếu những máy bay này liên lạc với nhau để phối hợp tác chiến thì F-35C sẽ bị radar phát hiện.
David Kindley, phụ trách chương trình F/A-18 của Hải quân Mỹ, cho biết: “Đúng là máy bay F-35 cố gắng để không bị phát hiện. Nhưng nó lại cần truyền số liệu. Hai nhiệm vụ này có thể không phù hợp với nhau”.
Trong khi đó, khả năng tránh bị radar phát hiện lại rất quan trọng, nên Hải quân Mỹ sẽ không phái những chiếc Super Hornet vào vùng có phòng không mạnh; nhiệm vụ này dành cho những chiếc F-35, ông David cho biết.
Theo ông David, Hải quân Mỹ và hãng Boeing đang thử nghiệm các biện pháp để giải quyết mâu thuẫn này, vì ý tưởng liên kết cao giữa các máy bay sẽ là “mấu chốt trong hoạt động của các phi đội trong tương lai”.
Hiện nay Bộ Quốc phòng Nga cũng có một dự án tương tự, gọi là “Internet của các máy bay tiêm kích”, với mục đích kết nối các máy bay trong một mạng lưới.
Theo Boeing, những tiêu bản F/A-18E/F Block III đầu tiên dự kiến sẽ được trao cho Hải quân Mỹ thử nghiệm vào năm 2019 và từ năm 2020 sẽ bắt đầu sản xuất hàng loạt.
Sự thay đổi tư duy
Gần đây người ta mới chuyển hướng sang hiện đại hóa những thế hệ máy bay cũ sau một thời gian chú tâm vào phát triển máy bay thế hệ thứ năm F-35.
Chính Tổng thống Mỹ Donald Trump là người đầu tiên công khai chỉ trích chương trình phát triển và sản xuất F-35 vô cùng tốn kém bởi hãng Lockheek Martin sau khi thắng thầu trước Boeing. Ông Trump ủng hộ việc cải tiến những thiết kế đã được thông qua, như loại máy bay F/A-18, nhằm giảm chi phí không cần thiết. Điều này đã thúc đẩy thực hiện chương trình Block III.
Mặc dù máy bay thế hệ thứ năm có những đặc tính kỹ thuật được ca ngợi nhiều, nhưng nó cũng bị nhiều chỉ trích từ các chuyên gia quân sự và kinh tế, vì giá thành quá cao. Hơn nữa, những cuộc chiến gần đây mà Mỹ tiến hành chủ yếu là nhằm vào những quốc gia có quân đội yếu hơn Mỹ nhiều hoặc nhằm vào các lưc lượng nổi dậy, vì thế không cần những thiết bị quá tối tân như vậy.
Chính vì thế, những thế hệ máy bay “cựu binh” như máy bay tấn công mặt đất A-10 Thunderbolt II vẫn được sử dụng.
Chúng rẻ hơn rất nhiều khi vận hành so với những máy bay tối tân và hiệu quả cũng không đáng chê trách.
Quân đội Nga cũng đi theo hướng tương tự: song song với phát triển các vũ khí tối tân, Nga vẫn sử dụng rất hiệu quả những máy bay như Su-25. Có tin, Mỹ đang tính “một bước lùi về công nghệ” là mua những máy bay tấn công sử dụng động cơ cánh quạt.
Như vậy, những thách thức trong việc kết nối thành “bầy đàn” một cách hiệu quả giữa những chiếc tàng hình F-35 với những máy bay thế hệ trước là bằng chứng cho thấy những công nghệ “tàng hình” không phải là lợi thế không thể tranh cãi hoặc không thể đánh bại như người ta từng nghĩ.