Mỹ, Pháp thể hiện quan điểm trái chiều về giải pháp cho Ukraine

Sau cuộc gặp giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và người đồng cấp Mỹ Donald Trump tại Washington ngày 24/2 với nội dung chính xoay quanh cuộc xung đột Ukraine, những phát biểu của hai nhà lãnh đạo cho thấy lập trường trái ngược giữa hai đồng minh lâu năm này.  

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) tại cuộc họp báo chung ở Washington, D.C., ngày 24/2/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Trong cuộc họp báo chung, Tổng thống Mỹ bày tỏ mong muốn ngừng bắn càng sớm càng tốt, đồng thời cho biết ông đang cố gắng sắp xếp một lệnh ngừng bắn giữa Ukraine và Nga. Ông chủ Nhà Trắng cũng để ngỏ khả năng đến Moskva để gặp nhà lãnh đạo Nga một khi đạt được thỏa thuận.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp thúc giục một cách tiếp cận thận trọng hơn, bắt đầu bằng một lệnh ngừng bắn và sau đó là một thỏa thuận hòa bình bao gồm các đảm bảo an ninh, khẳng định mong muốn “hòa bình nhanh chóng” nhưng không muốn một thỏa thuận “yếu kém”.  

Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí về việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu sau khi đạt được thỏa thuận hòa bình, với khẳng định của Tổng thống Trump rằng nhà lãnh đạo Nga chấp nhận điều này. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ lặp lại yêu cầu rằng châu Âu cần tham gia gánh vác việc hỗ trợ Ukraine trong tương lai, khi Washington sẽ thu hồi hàng tỷ USD viện trợ đã dành cho Kiev.

Về vấn đề này, Tổng thống Pháp tuyên bố châu Âu sẵn sàng tăng cường chi tiêu quốc phòng, nhưng bày tỏ hy vọng Washington sẽ tích cực tham gia bảo đảm bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào ở Ukraine. Nhà lãnh đạo Pháp nhấn mạnh Kiev phải được tham gia những cuộc đàm phán chấm dứt xung đột.  

Bất chấp những điểm chưa đồng thuận, ông Macron nhận định các cuộc thảo luận với ông Trump là "một bước ngoặt" trong nỗ lực hướng tới một cách tiếp cận thống nhất hơn.  

Trả lời phỏng vấn Fox News sau cuộc gặp Tổng thống Mỹ, ông Macron tuyên bố một thỏa thuận ngừng bắn giữa Ukraine và Nga có thể được đạt được “trong vài tuần”.  

Ông Macron là nhà lãnh đạo châu Âu đầu tiên đến thăm Nhà Trắng kể từ khi ông Trump nhậm chức nhiệm kỳ hai cách đây một tháng. Dự kiến, Thủ tướng Anh Keir Starmer cũng sẽ có chuyến thăm Mỹ cuối tuần này, trong bối cảnh châu Âu lo ngại về lập trường cứng rắn của ông Trump đối với Ukraine và sự tan băng nhanh chóng trong quan hệ giữa Moskva và Washington.  

Đài Trang (TTXVN)
Những diễn biến bất ngờ trong cuộc bỏ phiếu tại LHQ về vấn đề Ukraine
Những diễn biến bất ngờ trong cuộc bỏ phiếu tại LHQ về vấn đề Ukraine

Cuộc bỏ phiếu tại LHQ về vấn đề Ukraine đã tạo nên cú sốc khi Mỹ đứng về phía Nga, đánh dấu bước ngoặt lớn trong chính sách ngoại giao của Washington. Động thái này có thể làm rạn nứt quan hệ Mỹ - châu Âu. Điều gì đang diễn ra phía sau quyết định gây tranh cãi này?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN