Mỹ phác thảo tương lai cho quân đội

Ngày 19/12, phát biểu tại Câu lạc bộ báo chí quốc gia ở thủ đô Washington, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã phác thảo kế hoạch của bộ trong tương lai với vai trò rất tích cực của quân đội Mỹ trong một thế giới hậu Afghanistan, ngay cả khi Lầu Năm Góc bị sụt giảm sức mạnh do tài chính bị thắt chặt.

 

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta. Ảnh: Internet.

 

Ông Panetta cho biết Lầu Năm Góc đã rút ra được bài học hậu chiến tranh trong quá khứ khi mà “việc cắt giảm sâu đã tạo ra lỗ hổng về lực lượng, làm quân đội mất tinh thần và không sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ được giao. Thay vào đó, chúng tôi đã xác định các ưu tiên và thực hiện các quyết định khó khăn để xây dựng lực lượng cho tương lai".

 

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh lực lượng quân sự Mỹ trong tương lai sẽ nhỏ hơn, không chỉ đơn giản là rút quân về Mỹ và chờ đợi cho cuộc chiến tiếp theo mà thay vào đó vẫn duy trì sự năng động trên phạm vi toàn cầu thông qua các đợt luân chuyển thường xuyên của các lực lượng nhằm thực hiện nhiệm vụ đào tạo và tư vấn cũng như đề ra các phương thức thúc đẩy các quốc gia đối tác mua thiết bị quân sự Mỹ.

 

Trả lời câu hỏi của những người chỉ trích về việc Mỹ chuyển trọng tâm sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong khi Trung Đông vẫn còn bất ổn, người đứng đầu Lầu Năm Góc cho biết các lực lượng của Mỹ tại Trung Đông vẫn còn rất mạnh với khoảng 50.000 nhân viên, hàng chục tàu chiến, máy bay chiến đấu, máy bay ném bom cùng các hệ thống do thám, giám sát và tình báo tiên tiến. Thông qua các thỏa thuận hợp tác quân sự và bán vũ khí, Mỹ đang hợp tác chặt chẽ với các nước vùng Vịnh để tăng cường năng lực của các nước này trong các lĩnh vực trọng yếu như phòng thủ tên lửa và chống mìn, qua đó giảm áp lực trong việc duy trì một lực lượng lớn quân Mỹ trong dài hạn. Mỹ cũng sẽ thúc đẩy thương mại quốc phòng với các cường quốc đang nổi lên như Brazil và Ấn Độ. Hiện Hải quân Mỹ đang bố trí lại lực lượng để đạt được tỷ lệ phân chia 60/40 giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương vào năm 2020. Các máy bay hiện đại nhất của Mỹ sẽ được đưa tới Thái Bình Dương trong đó có F-22, MV-22 Osprey và đang chuẩn bị nền tảng cho việc triển khai ở nước ngoài đầu tiên của thế hệ máy bay chiến đấu hỗn hợp F-35 vào năm 2017.

 

Bộ trưởng Panétta khẳng định bối cảnh hậu chiến Irắc và Afghanistan không giống như các giai đoạn hậu chiến trước đó khi Mỹ ra khỏi Chiến tranh Thế giới thứ 2, Chiến tranh Triều Tiên, Chiến tranh Việt Nam và kết thúc Chiến tranh Lạnh. Các mối đe dọa an ninh quốc gia và lợi ích toàn cầu của Mỹ không giảm mà trái lại ngày càng phức tạp, phân tán và theo những cách nguy hiểm hơn.

 

 

TTXVN/Tin tức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN