Phái đoàn Nga thực hiện chuyến thăm tới Bình Nhưỡng từ ngày 12/12. Ảnh: Sputnik |
Theo kênh truyền hình RT, chỉ trong hai tuần, giới chức Nga đã thực hiện liên tiếp hai chuyến thăm tới thủ đô Bình Nhưỡng. Động thái tích cực này diễn ra trong bối cảnh Washington vẫn chưa thống nhất được giải pháp với Bình Nhưỡng liên quan đến căng thẳng leo thang trên Bán đảo Triều Tiên.
Phái đoàn Nga, dẫn đầu là Phó Giám đốc Trung tâm Chỉ huy Quốc phòng Nga Viktor Kalganov, thực hiện chuyến bay ngoại giao tới Triều Tiên từ ngày 12/12. Dự kiến quan chức Nga sẽ ở lại Bình Nhưỡng cho đến hết tuần.
Quân đội Nga vẫn chưa có thông báo chính thức nào về nhiệm vụ lần này. Tuy nhiên, ngay sau khi lan truyền tin tức về chuyến thăm, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố Moskva đang tận dụng “bất kỳ cơ hội nào để đối thoại trực tiếp” với Bình Nhưỡng và sẽ tiếp tục làm như vậy, với sự trợ giúp từ Bộ Quốc phòng. “Triều Tiên là láng giềng của chúng ta, chúng ta phải phát triển quan hệ với quốc gia này”, Thứ trưởng Ngoại giao Sergey Ryabkov tuyên bố trong một cuộc họp báo ngày 13/12.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn hãng tin Interfax, Phó Chủ tịch Hội đồng Công cộng thuộc Bộ Quốc phòng Nga, ông Aleksandr Kanshin khẳng định phái đoàn quân sự Nga tới Bình Nhưỡng nhằm “khởi động” một cuộc dàn xếp đối phó với khủng hoảng khu vực.
Moskva liên tục nhấn mạnh chỉ có các nỗ lực ngoại giao mới có thể giải quyết khủng hoảng Bán đảo Triều Tiên. Ngay sau chuyến thăm đầu tiên tới Bình Nhưỡng, các nhà lập pháp Nga cho biết Triều Tiên sẵn sàng đối thoại nếu được công nhận là một quốc gia hạt nhân. Triều Tiên có thể ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ và Nga sẽ tham gia cùng với tư cách là bên thứ ba.
Trong khi Nga liên tục có những bước đi ngoại giao nhằm giải quyết khủng hoảng tại Bình Nhưỡng, thì phía Mỹ lại xuất hiện mâu thuẫn nội bộ liên quan đến giải pháp đối với Triều Tiên.
Mặc cho trước đó ngày 12/12 Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố Mỹ sẵn sàng đàm phán “vô điều kiện” với Triều Tiên, Nhà Trắng lại cứng rắn thông báo “chưa phải lúc” đối thoại và sẽ không có bất kỳ cuộc đàm phán nào diễn ra nếu như Bình Nhưỡng không “thay đổi hành vi của mình”.