Sau khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gọi điện cho người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị nói về điều mà ông mô tả là "sự xâm lược của Nga" đối với Ukraine, kênh RT (Nga) dẫn lời nhà phân tích chính trị và quan hệ quốc tế người Anh Tom Fowdy cho rằng, động thái này là một hành động ngoại giao rõ ràng của Washington nhằm cô lập Moskva bằng cách lôi kéo Bắc Kinh, vì dường như lo ngại về mối quan hệ đối tác chiến lược ngày càng tăng giữa hai nước Nga và Trung Quốc.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin về cuộc gọi cho biết, ông Vương Nghị đã hối thúc Ukraine tuân thủ Nghị định thư Minsk, gián tiếp tuyên bố phản đối sự mở rộng của NATO, và đả kích Mỹ về một số vấn đề, cáo buộc rằng nước này cố tình “can thiệp” vào công việc nội bộ của Trung Quốc như phá hoại Thế vận hội Olympic 2022 và yêu cầu Washington tuân thủ chính sách "Một Trung Quốc" về Đài Loan.
Trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng dẫn lời ông Vương Nghị nêu rõ: “Ngày nay, trong thế kỷ 21, tất cả các bên phải từ bỏ hoàn toàn tâm lý Chiến tranh Lạnh và hình thành một cơ chế an ninh châu Âu được đàm phán cân bằng, hiệu quả và bền vững".
Đáng chú ý, ông Vương Nghị nói rằng Mỹ đã không thay đổi chính sách Trung Quốc của mình so với chính sách của chính quyền Tổng thống Trump, cáo buộc Washington tiếp tục phá hoại mối quan hệ song phương thông qua thái độ thù địch. Đây được coi là sự chỉ trích đối với các yêu cầu của Mỹ.
Theo chuyên gia phân tích Fowdy, chính quyền ông Biden đang sử dụng tiêu chuẩn kép trong mối quan hệ với Trung Quốc, vừa đối đầu với Bắc Kinh, nhưng khi một vấn đề địa chính trị nảy sinh mà Washington cần sự hỗ trợ và đối thoại của Trung Quốc, Mỹ lại muốn có sự hợp tác một cách thiện chí. Thái độ này cũng được thể hiện rõ ràng trong thời kỳ Taliban tiếp quản Afghanistan năm ngoái, hay liên quan đến cách tiếp cận của Washington đối với Triều Tiên.
Một ví dụ khác là vào tháng 11/2021, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Từ quan điểm của Trung Quốc, cuộc gặp này được thiết kế để ổn định quan hệ và khiến Mỹ từ chính sách chống Bắc Kinh như thời Chính quyền Trump. Trên thực tế, hội nghị thượng đỉnh không đạt được kết quả và ông Biden ngay lập tức phản ứng bằng cách liệt thêm các công ty Trung Quốc vào danh sách trừng phạt, đồng thời ủng hộ dự luật cấm tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Tân Cương với lý do cưỡng bức lao động.
Ông Fowdy cho rằng, sự thay đổi trên phản ánh xu hướng chính sách đối ngoại mới của Trung Quốc, đó là nước này sẵn sàng hỗ trợ nhiều hơn cho các quốc gia đang gặp rắc rối với Washington so với trước đây, chẳng hạn như với Syria, Triều Tiên, Cuba, Iran và những nước khác.