Mỹ kích hoạt cuộc chiến thương mại mới và những hệ luỵ tiềm tàng

Chính sách thuế quan mới của Tổng thống Donald Trump đang làm rung chuyển kinh tế toàn cầu, đẩy Mỹ vào căng thẳng với các đối tác quan trọng. Trong khi các nước tìm cách đáp trả thận trọng, thị trường biến động mạnh và nguy cơ một cuộc chiến thương mại toàn diện ngày càng hiện hữu.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN

Động cơ đằng sau chính sách thuế quan mới

Trong những ngày đầu nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Donald Trump đã nhanh chóng biến lời hứa tranh cử thành hành động khi ký sắc lệnh áp thuế mới với ba đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Theo thông báo của Nhà Trắng ngày 1/2, hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico sẽ chịu thuế 25%, trong khi hàng từ Trung Quốc chịu mức thuế 10%, áp dụng từ ngày 4/2. Cố vấn thương mại Peter Navarro cảnh báo Mỹ có thể tăng thuế nếu các nước này có hành động phản ứng.

Quyết định trên được đưa ra với lý do đối phó tình trạng khẩn cấp quốc gia về ma túy fentanyl và người nhập cư bất hợp pháp. Riêng sản phẩm năng lượng từ Canada được hưởng mức thuế ưu đãi 10%, trong khi cùng mặt hàng này từ Mexico vẫn phải chịu thuế đầy đủ 25%.

Tuy nhiên, đến ngày 3/2, tình hình có chuyển biến tích cực khi ông Trump đồng ý hoãn áp thuế với Mexico và Canada trong 30 ngày để tiếp tục đàm phán. Mexico đã cam kết triển khai 10.000 thành viên Vệ binh Quốc gia đến biên giới để ngăn chặn buôn bán ma túy. Canada cũng đồng ý thực hiện kế hoạch biên giới trị giá 1,3 tỷ USD, bao gồm việc bổ nhiệm Ủy viên phụ trách fentanyl và thành lập Lực lượng Tấn công Chung Mỹ-Canada. Riêng với Trung Quốc, mức thuế 10% vẫn dự kiến có hiệu lực từ ngày 4/2.

Động thái này của Tổng thống Trump được xem là bước đi đầu tiên trong việc thực hiện các cam kết tranh cử của ông sau khi tái đắc cử. Nhưng với quy mô thương mại lớn bị ảnh hưởng và phản ứng mạnh mẽ từ các đối tác, nhiều lo ngại về một cuộc chiến thương mại toàn diện đang ngày càng gia tăng.

Theo nhận định của The Conversation (Australia), đằng sau lý do chính thức về an ninh biên giới và ma túy, động cơ của Tổng thống Trump có phạm vi rộng lớn hơn. Trước hết là chủ nghĩa bảo hộ - chính sách mà ông luôn ủng hộ và từng tuyên bố thuế quan là "từ đẹp nhất trong từ điển". Quan trọng hơn, đây được xem là chiến lược "vũ khí hóa thương mại" - sử dụng thuế quan làm công cụ gây áp lực để đạt mục tiêu địa chính trị.

Chú thích ảnh
Quang cảnh cảng hàng hóa ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Phản ứng của các bên liên quan

Ngay sau khi Mỹ công bố các mức thuế quan mới nhằm vào Canada, Mexico và Trung Quốc, ba quốc gia này đã có những phản ứng khác nhau để bảo vệ lợi ích kinh tế của mình. Trong khi Canada và Mexico chọn phương án trả đũa một cách thận trọng, Trung Quốc phản ứng có phần kiềm chế hơn.

Với Canada, Thủ tướng Justin Trudeau khẳng định sẽ "không lùi bước trong việc bảo vệ người dân Canada". Nước này tuyên bố áp thuế trả đũa 25% đối với 155 tỷ CAD (106 tỷ USD) hàng hóa từ Mỹ, tập trung vào các sản phẩm đơn giản như trái cây họ cam quýt, bơ đậu phộng và rượu bourbon. Tuy nhiên, Canada trì hoãn đánh thuế ô tô và xe tải để tránh ảnh hưởng đến nền kinh tế nội địa.

Với Mexico, nước này tuyên bố xem xét "kế hoạch B" để đáp trả, trong đó áp thuế nhắm vào các sản phẩm nhạy cảm với cử tri của Tổng thống Trump và các bang Cộng hòa như xe máy, rượu bourbon và cam. Chiến lược này tương tự như biện pháp của Canada và cũng từng được Mexico áp dụng thành công vào năm 2018. Tuy nhiên, Mexico cũng tỏ ra thận trọng trong việc đánh thuế các mặt hàng thiết yếu như ngô, do lo ngại ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi trong nước. Bên cạnh đó, nước này cũng tránh các biện pháp tài chính có thể gây thiệt hại cho hệ thống ngân hàng của mình.

Khác với Canada và Mexico, Trung Quốc có phản ứng tương đối kiềm chế trước mức thuế mới của Mỹ. Ban đầu, Bắc Kinh chỉ đưa ra phản ứng mang tính ngoại giao, tuyên bố sẽ "thực hiện các biện pháp đối phó cần thiết" và gửi đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đến ngày 4/2, Trung Quốc cho biết nước này sẽ áp đặt mức thuế bổ sung đối với một số hàng hóa nhất định của Mỹ từ ngày 10/2.

Một tín hiệu đáng chú ý là Trung Quốc thể hiện mong muốn quay trở lại bàn đàm phán với Mỹ. Theo Wall Street Journal, Bắc Kinh đang xem xét khôi phục thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 đã ký năm 2020, trong đó Trung Quốc cam kết tăng mua hàng hóa Mỹ thêm 200 tỷ USD. Ngoài ra, nước này còn đưa ra các đề xuất về đầu tư vào Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực pin xe điện, nhằm giảm bớt căng thẳng giữa hai bên.

Có thể thấy, dù các nước bị ảnh hưởng đều có những phản ứng khác nhau, nhưng điểm chung là họ cố gắng tránh leo thang xung đột trong khi vẫn bảo vệ lợi ích quốc gia. Mục tiêu cuối cùng của họ là chờ đợi áp lực trong nội bộ nước Mỹ buộc chính quyền Trump phải xem xét lại chính sách thuế quan.

Chú thích ảnh
Quầy hàng bán rượu ghi dòng chữ "Hãy mua hàng của Canada thay vì hàng Mỹ", sau khi 5 loại rượu nổi tiếng của Mỹ "trống trơn" trên kệ trong siêu thị ở Vancouver, British Columbia, Canada, ngày 2/2/2025. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Những hệ luỵ tiềm tàng

Chính sách thuế quan mới của Tổng thống Donald Trump đã và đang tạo ra những tác động sâu rộng, không chỉ đối với các nước bị áp thuế mà còn ảnh hưởng đến cả Mỹ và trật tự thương mại toàn cầu.

Với Mỹ, về chính trị - ngoại giao, quyết định này đã khiến quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh truyền thống rạn nứt nghiêm trọng. Cựu Bộ trưởng Tài chính Canada Chrystia Freeland gọi đây là "một hành động chiến tranh kinh tế". Trong nước, chính sách này cũng gây chia rẽ sâu sắc. Thượng nghị sĩ Patty Murray cảnh báo về tổn thất trực tiếp đến các gia đình Mỹ, trong khi Thống đốc Colorado Jared Polis lo ngại về sức cạnh tranh của nền kinh tế. Ngược lại, Chủ tịch Ủy ban Tài chính Hạ viện Jason Smith ủng hộ quyết định này, cho rằng nó thể hiện thái độ cứng rắn về vấn đề nhập cư và ma túy.

Về kinh tế, tác động của chính sách thuế quan đã gây lo ngại về lạm phát ở Mỹ. Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers cảnh báo rằng mức thuế này có thể làm giá cả hàng hoá tiêu dùng tăng cao trong vòng ba đến bốn tháng tới, ảnh hưởng đến người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ. Bên cạnh đó, thị trường tài chính cũng chịu tác động tiêu cực. Theo dữ liệu từ phố Wall, các chỉ số chứng khoán Mỹ đã giảm mạnh ngay sau khi lệnh áp thuế được công bố, với chỉ số Dow Jones mất 122,75 điểm, S&P 500 giảm 45,96 điểm và Nasdaq Composite lao dốc 235,49 điểm. Điều này phản ánh sự lo ngại của giới đầu tư về tác động của thuế quan đối với nền kinh tế Mỹ.

Đối với các nước bị áp thuế, tác động kinh tế được dự báo là rất nghiêm trọng. Canada, với 77% kim ngạch xuất khẩu phụ thuộc vào Mỹ, có thể mất 2 - 3% GDP và ảnh hưởng đến 2,4 triệu việc làm. Mexico chịu thiệt hại nặng nhất khi 80% hàng xuất khẩu sang Mỹ, Oxford Economics dự báo lạm phát có thể lên 6% và đồng peso mất giá 7%. Ở Trung Quốc, thuế mới có thể gây thiệt hại cho các nhà xuất khẩu phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson ước tính thuế quan mới của Mỹ có thể khiến xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm khoảng 40 - 50 tỷ USD/năm.

Trên phạm vi toàn cầu, thị trường tài chính quốc tế cũng chao đảo với chỉ số DAX (Đức) giảm 2%, CAC 40 (Pháp) giảm 1,7%, và FTSE 100 (Anh) mất 106 điểm khi mức thuế mới được công bố. Thị trường năng lượng và nông sản cũng chịu ảnh hưởng: Giá dầu thô WTI và Brent biến động mạnh khi các nhà đầu tư lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung từ Canada và Mexico. Giá đậu tương Mỹ tăng hơn 1,5% do kỳ vọng Trung Quốc sẽ giảm nhập khẩu từ Mỹ để tìm kiếm nguồn cung thay thế.

Trước bối cảnh trên, các chuyên gia của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cảnh báo rằng các chính sách thuế quan của Mỹ có thể kéo theo suy thoái kinh tế toàn cầu trong dài hạn. Các nhà phân tích của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lưu ý, căng thẳng thương mại có thể khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng quốc tế. Một số nhà nghiên cứu kinh tế nhận định, nếu không có một lối thoát hợp lý, thế giới có thể phải đối mặt với một thời kỳ bảo hộ thương mại kéo dài, tác động tiêu cực đến cả các nền kinh tế phát triển và đang phát triển.

Nhìn chung, chính sách thuế quan của Mỹ đang đẩy nền kinh tế toàn cầu vào một giai đoạn bất ổn. Mặc dù mục tiêu của Washington là giảm thâm hụt thương mại và bảo vệ sản xuất nội địa, nhưng hệ luỵ của nó có thể vượt xa dự đoán ban đầu, làm suy yếu nền kinh tế Mỹ, gây tổn hại cho các đối tác thương mại và đẩy thế giới vào một cuộc chiến thương mại rộng lớn hơn.

Công Thuận/Báo Tin tức (Tổng hợp)
Thuế quan của Tổng thống Trump đẩy Mỹ ra ngoài hệ thống thương mại toàn cầu?
Thuế quan của Tổng thống Trump đẩy Mỹ ra ngoài hệ thống thương mại toàn cầu?

Ngày càng nhiều quốc gia, bao gồm cả các đồng minh của Mỹ, đang ký kết các thỏa thuận thương mại khi chính quyền Tổng thống Donald Trump dựng hàng rào thuế quan cao hơn quanh hoạt động thương mại toàn cầu của mình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN