Tuần trước, Tổng thống Biden thông báo Mỹ sẽ giải phóng 50 triệu thùng dầu từ Kho dự trữ dầu chiến lược (SPR), đánh dấu lần đầu tiên sau hai thập kỷ, một Tổng thống Mỹ sử dụng kho dự trữ nhằm hạ nhiệt giá dầu. Trong số trên, khoảng 32 triệu thùng sẽ được cấp cho các công ty dầu mỏ dưới dạng khoản vay và những công ty này sẽ hoàn trả lại chính phủ trong tương lai. Số còn lại sẽ được ủy quyền bán theo một đạo luật được Quốc hội Mỹ phê chuẩn.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Granholm nhấn mạnh chính phủ có thẩm quyền để thực hiện các hoạt động trao đổi. Theo bà Granholm, Washington không kiểm soát giá dầu mà chỉ nhằm tăng nguồn cung trong ngắn hạn và mục tiêu dài hạn của chính phủ là đầu tư vào năng lượng sạch, nhờ đó Mỹ sẽ không phải phụ thuộc vào các nguồn năng lượng không ổn định.
Ngoài Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và các nước khác cũng đã mở kho dự trữ dầu chiến lược của mình song với số lượng ít hơn sau khi Chính quyền Tổng thống Biden kêu gọi các nước có nhu cầu năng lượng lớn giải phóng kho dự trữ dầu nhằm hạ nhiệt giá "vàng đen" thế giới. Trước đó, các nước sản xuất dầu mỏ như Saudi Arabia và Nga từ chối lời kêu gọi của Washington về việc tăng sản lượng dầu để đáp ứng nhu cầu dầu mỏ trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang hồi phục sau đại dịch COVID-19.
Mỹ mở kho dự trữ dầu vào thời điểm giá dầu ở mức 80 USD/thùng, thấp hơn nhiều mức kỷ lục 147 USD/thùng vào năm 2008, khiến một số nhà phân tích cho rằng điều này có thể ảnh hưởng đến đầu tư vào các dự án khai thác, kể cả tại Mỹ, khi cho thấy rằng 80 USD/thùng sẽ là ngưỡng giá trên của thị trường. Trong khi đó, trong trả lời phỏng vấn kênh CNBC, đặc phái viên về an ninh năng lượng của Tổng thống Biden, ông Amos Hochstein, nhấn mạnh chính phủ sẵn sàng xuất thêm dầu mỏ từ SPR, đồng thời khẳng định đây là công cụ sẵn có của Washington.