Phát biểu trước báo giới, bà Jean-Pierre nêu rõ: "Đối với Triều Tiên lập trường của chúng tôi chưa thay đổi", đồng thời cho biết thêm Washington sẽ tìm kiếm phương thức ngoại giao với Bình Nhưỡng để đạt được "tiến bộ thiết thực" tăng cường an ninh của Mỹ và các đồng minh.
Trước đó, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 13/9 đưa tin nước này đã thực hiện thành công các vụ phóng thử tên lửa hành trình tầm xa thế hệ mới vào các ngày 11-12/9 sau 2 năm nghiên cứu. Tên lửa đã bắn trúng mục tiêu ở cách xa khoảng 1.500km trước khi rơi xuống vùng biển quốc tế. Các chuyên gia cho rằng tên lửa do Triều Tiên mới phát triển này giống loại tên lửa hành trình tầm xa Tomahawk của Mỹ hay Hyunmoo-3C của Hàn Quốc.
Trong diễn biến liên quan, Hàn Quốc và Australia đã hối thúc Triều Tiên quay lại bàn đàm phán "mà không kèm điều kiện tiên quyết", nhấn mạnh rằng ngoại giao và đối thoại là cần thiết để mang lại hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, lời kêu gọi được đưa ra trong một tuyên bố chung sau cuộc đối thoại 2+2 tại Seoul giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng hai nước ngày 13/9.
Tuyên bố chung nhấn mạnh Tuyên bố nhấn mạnh: "Các bộ trưởng tái khẳng định sự ủng hộ không ngừng đối với đối thoại và ngoại giao...khẳng định những điều này là cần thiết cho việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn và thiết lập nền hòa bình vĩnh viễn trên Bán đảo Triều Tiên". Tuyên bố cũng "hoan nghênh cam kết của Mỹ và Hàn Quốc theo đuổi ngoại giao với Triều Tiên và kêu gọi Bình Nhưỡng tham gia các cuộc đối thoại có ý nghĩa mà không kèm điều kiện tiên quyết".
Đề cập các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của việc "thực hiện trung thực" các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cấm Bình Nhưỡng tiến hành các vụ thử như vậy.