Tuy nhiên, JCS từ chối xác nhận thông tin chi tiết, trong đó có thông tin về nơi tiến hành vụ thử và liệu Hàn Quốc có biết trước các vụ phóng này hay không.
Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản bày tỏ "lo ngại" về thông tin nói trên. Phát biểu ngày 13/9, Chánh Văn phòng nội các Katsunobu Kato cho biết Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Mỹ và Hàn Quốc để theo dõi tình hình.
Trong tuyên bố liên quan, Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cho biết các cuộc thử tên lửa ngày 12/9 mà Triều Tiên tiến hành đã tạo ra “các mối đe dọa” đối với các nước láng giềng và xa hơn. Tuyên bố nhấn mạnh hoạt động thử tên lửa cho thấy Triều Tiên vẫn tập trung phát triển chương trình quân sự của nước này, tiềm ẩn nguy cơ đối với các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế. Mỹ sẽ tiếp tục theo dõi hình và tham vấn với các nước đồng minh cùng đối tác cũng như tái khẳng định cam kết trong việc bảo vệ Hàn Quốc và Nhật Bản.
Sáng 13/9, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA cho biết nước này đã phóng thử tên lửa tầm xa mới trong hai ngày 11 và 12/9.
Các chuyên gia cho rằng vũ khí mới được ra mắt của Triều Tiên giống với loại tên lửa hành trình tầm xa Tomahawk của Mỹ hay Hyunmoo-3C của Hàn Quốc.
Tên lửa đạn đạo có tầm bắn xa hơn nhiều và có tốc độ nhanh hơn tên lửa hành trình cùng kích cỡ. Tuy nhiên, tên lửa hành trình vẫn là mối đe dọa nguy hiểm vì chúng bay trên một đường thẳng và ở độ cao thấp, khiến chúng khó bị phát hiện hơn. Theo các chuyên gia, tên lửa hành trình cũng có thể mang đầu đạn hạt nhân.