Phát biểu khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu thế giới diễn ra bằng hình thức trực tuyến do Mỹ tổ chức trong các ngày 22-23/4, Tổng thống Biden cho rằng "cái giá của việc không hành động không ngừng tăng lên" và Mỹ "sẽ không chờ đợi" để đi đầu trong giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu cấp bách hiện nay.
Ông tuyên bố Mỹ "đã quyết tâm hành động" để giải quyết tình trạng này, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới đẩy nhanh kế hoạch giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính của mình nếu không muốn chứng kiến một thất bại chung của thế giới trong việc ngăn chặn tình trạng Trái Đất ấm lên. Ông chủ Nhà Trắng cũng chính thức đưa ra cam kết vào năm 2030, Mỹ sẽ cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ 50-52% so với mức của năm 2005, tăng gấp đôi so với cam kết mà chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama đưa ra khi ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu cách đây đúng năm 2015.
Dù hội nghị thượng đỉnh lần này được coi là một hội nghị quốc tế, nhưng trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Biden cũng hướng đến người dân trong nước. Trong phát biểu của mình, ông một mặt tập trung vào nghĩa vụ của Mỹ trong việc giúp cắt giảm lượng khí thải toàn cầu, mặt khác ông còn nhấn mạnh tới những việc làm mới được tạo ra trong quá trình "phủ xanh" nền kinh tế đầu tàu thế giới. Tổng thống Biden nhấn mạnh "các quốc gia triển khai hành động quyết đoán ngay bây giờ" để đối phó với biến đổi khí hậu "sẽ là những quốc gia gặt hái được những lợi ích của năng lượng sạch".
Hội nghị thượng đỉnh khí hậu trực tuyến quy tụ 40 nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro. Theo giới chức Mỹ, mục tiêu cắt giảm khoảng 50% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính mà Washington đưa ra là nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống cuộc khủng hoảng khí hậu. Mục tiêu này sẽ tạo ra "đòn bẩy" để các nước khác hành động mạnh mẽ hơn nữa trong vấn đề biến đổi khí hậu. Thủ tướng Anh Boris Johnson đã hoan nghênh cam kết trên của Mỹ.
Hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày diễn ra vào thời điểm các nhà khoa học đang cảnh báo rằng các chính phủ phải có hành động dứt khoát để khống chế nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp. Hậu quả của việc vượt quá ngưỡng này là sự biến mất của nhiều loài động thực vật, tình trạng thiếu nước trầm trọng và các hiện tượng thời tiết cực đoan, gây thiệt hại nghiêm trọng nhất cho các quốc gia nghèo nhất. Tuy nhiên, một nghịch lý là các nước nghèo lại chỉ chịu một phần trách nhiệm rất nhỏ trong việc nhiệt độ Trái Đất tăng lên.