Mỹ kêu gọi các nước triển khai các biện pháp cấp bách hạn chế thiệt hại kinh tế do dịch COVID-19

Ngày 16/4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã lên tiếng kêu gọi chính phủ các nước trên thế giới cần triển khai các biện pháp cấp bách để hạn chế thiệt hại kinh tế mà đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (giữa) trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng. Ảnh: THX/ TTXVN

Phát biểu trong cuộc họp trực tuyến với giới chức Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), Bộ trưởng Mnuchin nhấn mạnh trong bối cảnh hầu hết các dự đoán đều hướng tới kịch bản xảy ra một cú sốc kinh tế sâu rộng, các nước thành viên cần phải triển khai những biện pháp tài chính và tiền tệ "đặc biệt" để ngăn chặn hậu quả mà đại dịch COVID-19 gây ra và hạn chế những thiệt hại trong dài hạn đối với các nền kinh tế, qua đó "đặt nền móng cho sự phục hồi (kinh tế) mạnh mẽ". Ngoài ra, ông cho rằng tất cả các nước phải sẵn sàng đẩy nhanh và mở rộng các biện pháp chính sách nếu cần khi tình hình diễn biến phức tạp.

Cũng trong phát biểu của mình, ông Mnuchin cho rằng nhu cầu tại các quốc gia thu nhập thấp trong cuộc khủng hoảng y tế hiện nay cũng đặc biệt lớn. Thậm chí ngay cả khi Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã cam kết giãn nợ cho 76 quốc gia nghèo nhất thế giới, Bộ trưởng Mnuchin cho rằng việc tài trợ khẩn cấp của IMF và WB là cần thiết trong việc hỗ trợ các nước này, đồng thời bày tỏ ủng hộ những viện trợ mà hai thể chế tài chính này đã triển khai một cách nhanh chóng. Ông cũng cho biết Chính phủ Mỹ đang xem xét đóng góp cho 2 trong số các quỹ khẩn cấp, vốn phụ thuộc vào việc đóng góp của các nước thành viên, để cung cấp hỗ trợ và cho các quốc gia nghèo nhất thế giới vay với chi phí thấp.

Trước đó, Chính phủ Mỹ đã ban hành gói cứu trợ kinh tế trị giá hơn 2.000 tỷ USD để hỗ trợ các ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh như các hãng hàng không. IMF ước tính các nền kinh tế lớn nhất thế giới đã "bơm" 8.000 tỷ USD để giải cứu thị trường.  

Ngày 14/4 vừa qua, IMF đã công bố báo cáo mới nhất cho biết kinh tế toàn cầu có thể phải trải qua cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể tử cuộc Đại suy thoái diễn ra vào những năm 1930 khi nhiều nước trên thế giới phải vật lộn để chống đại dịch COVID-19. Tổ chức có trụ sở tại Washington dự kiến nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm 3% trong năm 2020, đây là mức giảm nặng nề khi hồi tháng 1 chính IMF còn dự báo GDP toàn cầu tăng 3,3% năm nay.

Phương Oanh (TTXVN)
Chủ tịch Fed tại Minneapolis: Các ngân hàng lớn của Mỹ hiện cần huy động ngay 200 tỷ USD vốn
Chủ tịch Fed tại Minneapolis: Các ngân hàng lớn của Mỹ hiện cần huy động ngay 200 tỷ USD vốn

Theo Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại Minneapolis, Neel Kashkari, các ngân hàng lớn của Mỹ cần huy động ngay 200 tỷ USD vốn trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN