Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP/TTXVN |
Quan chức này cho biết việc ban hành sắc lệnh mới sẽ được hoãn tới tuần sau. Tuần trước, Tổng thống Trump đã tuyên bố về một sắc lệnh mới sẽ được công bố trong tuần này. Ông khẳng định văn kiện mới này sẽ là một sắc lệnh hành pháp toàn diện để bảo vệ người dân Mỹ, giúp tháo gỡ các lo ngại pháp lý mà bang Washington, thành phố San Francisco và nhiều chính quyền địa phương khác bày tỏ đối với sắc lệnh ban đầu được ông ký và ban hành ngày 27/1 vừa qua.
Trong khi đó, Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ John Kelly cho rằng chính phủ Mỹ sẽ không tiến hành
trục xuất những người di cư không có giấy tờ trên quy mô lớn. Tuy nhiên, ông khẳng định công tác trục xuất sẽ được tiến hành nhanh chóng hơn nhiều so với thập kỷ vừa qua.
Chính quyền Mỹ đang vấp phải sự phản đối gay gắt từ chính giới, hệ thống tư pháp tại nhiều bang liên quan sắc lệnh cấm nhập cảnh do Tổng thống Trump ban hành từ cuối tháng 1 vừa qua. Theo quyết định này, người tị nạn bị cấm nhập cảnh Mỹ trong vòng 120 ngày, người tị nạn từ Syria bị cấm vào Mỹ vô thời hạn, trong khi công dân từ Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen sẽ không được vào Mỹ trong vòng 90 ngày.
Ông Trump cho rằng sắc lệnh này là nhằm bảo vệ Mỹ trước mối đe dọa khủng bố của các đối tượng cực đoan. Tuy nhiên, sắc lệnh này tới nay chưa có hiệu lực thực thi do Thẩm phán liên bang James Robart tại thành phố Seattle, bang Washington đã ra phán quyết ngăn chặn với lý do quyết định trên đi ngược với Hiến pháp Mỹ.
Tòa án Phúc thẩm Liên bang Khu vực số 9 đã ủng hộ phán quyết của thẩm phán Robart, động thái bị Tổng thống Trump chỉ trích là "đi quá xa" và mang động cơ chính trị.
Đây cũng là lần hiếm hoi trong lịch sử nước Mỹ khi một sắc lệnh của chính phủ vấp phải sự phản đối gay gắt không chỉ của công chúng mà còn của chính giới.
Trước đó, khoảng 100 tập đoàn ở Mỹ, trong đó có Apple, Google, Microsoft, đã cùng đệ đơn lên tòa phúc thẩm liên bang của Mỹ phản đối sắc lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Trump với lý do quyết định này ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh của họ. Trong khi đó, người đứng đầu ngành hành pháp tại 15 bang và thủ đô Washington D.C cũng đã cùng đệ đơn kiến nghị nhằm ủng hộ vụ kiện chống lại lệnh cấm nhập cảnh.