Theo Lộ trình Năng lượng Mêtan Toàn cầu được khởi động cùng ngày, các quốc gia được khuyến khích loại bỏ khí thải này "càng sớm càng tốt” và không “muộn hơn năm 2030". Mêtan được sinh ra trong quá trình đốt cháy khí dư thừa trong hoạt động sản xuất dầu thô và khí đốt tự nhiên. Đây là một loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh tồn tại trong khí quyển khoảng một thập kỷ, ngắn hơn nhiều so với CO2, và có thể gây ra tác động lớn tới sự ấm lên của Trái Đất.
Tuyên bố chung do Mỹ và EU đưa ra cho hay, lĩnh vực dầu khí đóng góp khoảng 1/4 tổng lượng khí thải mêtan do con người phát ra. Họ nói rằng, việc giảm lượng khí thải này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của những hành động phòng chống tình trạng biến đổi khí hậu và tăng cường nguồn cung khí đốt toàn cầu bằng cách thu giữ tốt hơn khí đốt để không bị lãng phí do đốt cháy hoặc phát thải".
Các quốc gia và tổ chức đã công bố khoản tài trợ trị giá gần 60 triệu USD để hỗ trợ việc thực hiện lộ trình này.
Trong số các thành viên ban đầu tham gia lộ trình này còn có Argentina , Canada, Đan Mạch, Ai Cập, Đức, Italy, Mexico, Nigeria, Na Uy và Oman.
Theo trang web của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, Trung Quốc, Mỹ, Nga, Ấn Độ, Brazil, Indonesia, Nigeria và Mexico được cho là nguyên nhân gây ra gần một nửa lượng khí thải mêtan do con người phát thải trên toàn cầu.
Mỹ, EU và hơn 100 quốc gia đã phát động Cam kết Khí mêtan toàn cầu tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc lần thứ 26 (COP-26) vào năm ngoái, nhằm tìm cách tới năm 2030 giảm ít nhất 30% lượng khí thải mêtan do con người tạo ra so với mức của năm 2020.
Tổng cộng 120 quốc gia hiện đã tán thành cam kết này, chiếm tới một nửa lượng khí thải mêtan phát thải trên toàn cầu và gần 3/4 nền kinh tế toàn cầu.