Mỹ đình chỉ can dự thương mại với Myanmar vì bất ổn chính trị

Ngày 29/3, Phòng Thương mại Mỹ (USTR) thông báo Mỹ quyết định đình chỉ các can dự thương mại với Myanmar vì tình hình bất ổn chính trị và bạo lực tại quốc gia Đông Nam Á này.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Chủ tịch Hội đồng Hành pháp Nhà nước Myanmar, Thống tướng Min Aung Hlaing. Ảnh: Nikkei

Reuters đưa tin Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai ngày 29/3 tuyên bố nước này đã đình chỉ lập tức mọi can dự với Myanmar trong khuôn khổ Thỏa thuận Khung về Thương mại và Đầu tư năm 2013 cho tới khi nào Myanmar khôi phục một chính phủ được bầu một cách dân chủ.

Trong một tuyên bố, bà Katherine Tai cho rằng lực lượng an ninh Myanmar phải chịu trách nhiệm về cái chết của những người biểu tình, sinh viên, người lao động "làm choáng váng lương tâm cộng đồng quốc tế".

Theo bà Katherine Tai, những hành động này là sự tấn công trực diện vào quá trình chuyển tiếp dân chủ của Myanmar và những nỗ lực của người dân Myanmar nhằm có được một tương lai hòa bình và thịnh vượng".

Trong diễn biến liên quan cùng ngày, các nguồn tin ngoại giao cho biết Anh đã kêu gọi triệu tập Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) họp khẩn cấp về tình hình tại Myanmar. Theo nguồn tin trên, 15 thành viên HĐBA sẽ bắt đầu phiên họp kín vào ngày 31/3 và lắng nghe báo cáo tình hình của đặc phái viên LHQ về Myanmar, ông Christine Schraner Burgener.

Về phần mình, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi đã hoan nghênh các nỗ lực của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng tại Myanmar. Tại cuộc hội đàm với người đồng cấp Indonesia Retno Marsudi đang ở thăm Nhật Bản, hai ngoại trưởng đã nhất trí hợp tác chặt chẽ nhằm cải thiện tình hình.

Ngày 26/3, Myanmar đã trả tự do cho hơn 300 người bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình phản đối việc quân đội bắt giữ các lãnh đạo chính phủ, các thủ hiến vùng, bang và các thành viên cấp cao của đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD).

Hãng tin AFP của Pháp dẫn lời một quan chức cấp cao trại giam Myanmar, tổng cộng 322 người bị giam giữ tại nhà tù Insein ở Yangon đã được trả tự do. Trong khi đó, truyền thông địa phương và các nhân chứng cho biết 6 xe buýt đã chở khoảng 300 người rời khỏi nhà tù. Trước đó hai ngày, hơn 600 người biểu tình bị bắt giữ cũng đã được trả tự do.

Myanmar rơi vào bế tắc chính trị từ ngày 1/2 sau khi quân đội bắt giữ các lãnh đạo chính phủ, các thủ hiến vùng, bang và các thành viên cấp cao của đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD). Quân đội Myanmar cáo buộc đã có nhiều gian lận xảy ra trong cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra tháng 11/2020, điều mà Ủy ban bầu cử liên bang Myanmar đã bác bỏ.

Sau khi nắm tạm quyền điều hành đất nước, quân đội Myanmar ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 1 năm, đồng thời cam kết sẽ tổ chức bầu cử và chuyển giao quyền lực. Quân đội cũng phủ nhận đã tiến hành đảo chính.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
UNICEF kêu gọi bảo đảm an toàn cho trẻ em ở Myanmar
UNICEF kêu gọi bảo đảm an toàn cho trẻ em ở Myanmar

Ngày 28/3, Giám đốc Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) - bà Henrietta Fore đã lên tiếng cảnh báo về cuộc khủng hoảng tại Myanmar và những hậu quả đối với trẻ em ở nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN