CNN dẫn nguồn tin Lầu Năm Góc giấu tên cho biết khoảng 500 binh sĩ Mỹ sẽ đến Căn cứ Không quân Hoàng tử Sultan nằm trên sa mạc ở phía Đông thủ đô Riyadh. Một nhóm binh sĩ và nhân viên hậu cần đã được đưa đến địa điểm từ trước để chuẩn bị cho hệ thống tên lửa phòng không Patriot cũng như nâng cấp đường băng.
Trong tháng 6, chính quyền Tổng thống Trump tuyên bố cử thêm 1.000 binh sĩ tới Trung Đông trong bối cảnh quan hệ với Iran bất ngờ leo thang căng thẳng, song Washington khi đó không nêu cụ thể quốc gia nơi số quân nhân này sẽ đồn trú.
Cũng theo nguồn tin trên, Mỹ dự kiến có thể sử dụng chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 "Ác điểu" F-22 cùng nhiều máy bay quân sự khác tại căn cứ không quân này. Lầu Năm Góc từ chối đưa ra bình luận về thông tin cử thêm binh sĩ.
Trong khi đó, Saudi Arabia cũng kín tiếng về việc binh sĩ Mỹ sẽ đến nước này. Kế hoạch điều động binh sĩ này được cho góp phần tăng cường mối quan hệ giữa chính quyền Tổng thống Trump và Saudi Arabia sau vụ việc gây tranh cãi liên quan tới cái chết của nhà báo gốc Saudi Arabia làm cho tờ Washington Post Jamal Khashoggi, vụ việc từng khiến quan hệ đồng minh giữa Riyadh và Washington căng thẳng.
Ngày 17/6, Mỹ đã quyết định tăng cường 1.000 binh sĩ tới Trung Đông trong bối cảnh căng thẳng leo thang với Iran sau các vụ tàu chở dầu bị tấn công trên Vịnh Oman.
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó Patrick Shanahan tuyên bố việc triển khai quân bổ sung này nhằm mục đích “phòng thủ” trước những mối đe dọa trên biển, trên không và trên bộ ở Trung Đông. Ông Shanahan cho rằng các động thái của Iran đang đe dọa lợi ích và các lực lượng Mỹ trong khu vực, song khẳng định Washington không "tìm kiếm xung đột với Iran".
Trong khi đó, ngày 16/6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết nước này "đang cân nhắc mọi lựa chọn" giữa lúc quan hệ với Iran gia tăng căng thẳng, trong đó có cả những lựa chọn quân sự.
Trả lời phỏng vấn trong chương trình Face the Nation của kênh CBS, Ngoại trưởng Pompeo nói: "Mỹ đang cân nhắc mọi lựa chọn. Chúng tôi đã báo cáo Tổng thống Trump vài lần và chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật tình hình cho ông ấy." Quan chức ngoại giao Mỹ tuyên bố Washington có thể triển khai một loạt hành động nhằm khôi phục khả năng răn đe, trong đó bao gồm cả một phản ứng quân sự.
Trong sự cố có thể là "tấn công" bằng ngư lôi hoặc mìn từ tính ngày 13/6 vừa qua trên Vịnh Oman, tàu chở dầu Front Altair của công ty vận tải Na Uy đã bị bốc cháy khi đang trên đường từ Qatar đi Đài Loan (Trung Quốc). Tàu thứ hai là Kokuka Courageous do Công ty Kokuka Sangyo có trụ sở tại Tokyo (Nhật Bản) vận hành cũng bị bốc cháy khi đang trên đường từ một cảng của Saudi Arabia đến Singapore.
Mỹ đã đổ lỗi cho Iran đứng sau vụ việc, song Tehran kiên quyết cho rằng cáo buộc của Mỹ là "vô căn cứ. Để chứng minh cáo buộc, Mỹ tung ra đoạn clip ghi lại hình ảnh lực lượng Vệ binh cách mạng Iran đang gỡ một số vật thể được cho là mìn còn sót lại được gắn bên hông tàu Kokuka Courageous. Trước tình hình căng thẳng leo thang và tiềm ẩn nguy cơ xung đột, Washington đã lập tức điều tàu khu trục USS Mason đến vùng Vịnh để đề phòng.