Phát biểu sau khi kết thúc cuộc đàm phán, ông Blinken nhấn mạnh: "Hai bên đã thảo luận một số vấn đề rất gai góc trong vài ngày qua và họ đã đạt được tiến bộ rõ rệt về một thỏa thuận hòa bình lâu dài. Tôi cho rằng việc đạt được thỏa thuận đó không chỉ mang tính lịch sử mà còn mang lại lợi ích sâu sắc cho người dân Azerbaijan và Armenia".
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, cùng ngày, Bộ Ngoại giao Azerbaijan ra thông báo xác nhận nước này và Armenia đã đạt được hiểu biết về một số điểm của thoả thuận hòa bình song phương trong tương lai sau các cuộc đàm phán ở Mỹ. Thông báo nêu rõ: “Các bộ trưởng và thành viên của các phái đoàn tháp tùng đã đạt được thoả thuận chung về một số điều khoản của dự thảo thoả thuận song phương, nhưng cũng ghi nhận vẫn còn khác biệt về quan điểm đối với một số vấn đề chính”.
Ngoại trưởng Armenia Ararat Mirzoyan và người đồng cấp Azerbaijan Jeyhun Bayramov đã tiến hành đàm phán trong 4 ngày qua tại Washington. Tuy nhiên, hai bên chưa đạt được bất kỳ thỏa thuận nào nhằm chấm dứt tình trạng xung đột kéo dài hàng thập niên.
Quan hệ giữa Armenia và Azerbaijan căng thẳng liên quan quyền kiểm soát khu vực Nagorny-Karabakh - khu vực nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan song có đa số dân cư là người gốc Armenia nên muốn sáp nhập vào nước này. Căng thẳng gia tăng giữa hai nước láng giềng với đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994. Kể từ năm 2008, Azerbaijan và Armenia đã tiến hành hàng chục cuộc gặp cấp cao, nhưng chưa tìm được biện pháp hòa giải phù hợp đối với các vấn đề, trong đó có việc phân định biên giới và trao đổi tù nhân. Quan hệ giữa hai nước càng trở nên căng thẳng sau khi Baku ngày 23/4 vừa qua thiết lập một trạm kiểm soát trên tuyến đường bộ duy nhất đi qua lãnh thổ Azerbaijan và nối Armenia với khu vực Nagorny-Karabakh.