Phát biểu với báo giới, một quan chức cấp cao giấu tên trong chính quyền của Tổng thống Biden nêu rõ các phần tử cực đoan bạo lực trong nước, được thúc đẩy bởi một loạt hệ tư tưởng, đã tạo ra mối đe dọa ngày một tăng đối với nước Mỹ trong năm 2021. Theo quan chức trên, các phần tử cực đoan bạo lực có động cơ phân biệt chủng tộc hoặc sắc tộc, cụ thể là những người tán thành chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, cũng như các phần tử cực đoan bạo lực chống chính phủ, là mối đe dọa nghiêm trọng nhất.
Tuy nhiên, quan chức trên cho biết kế hoạch của Chính phủ Mỹ là "trung lập về mặt ý thức hệ" và bao gồm 4 trụ cột, với những định hướng rộng hơn là các biện pháp cụ thể, nhằm ngăn chặn các đối tượng cực đoan. Trước tiên, chính quyền của Tổng thống Biden mong muốn cải thiện việc chia sẻ thông tin về các nhóm hoặc cá nhân cực đoan ở cấp độ liên bang và địa phương. Vì vậy, Bộ Tư pháp và Cục điều tra liên bang (FBI) đã thiết lập một hệ thống mới trên toàn quốc để thông báo những trường hợp liên quan đến khủng bố.
Bên cạnh đó, Washington cũng muốn ngăn chặn việc tuyển mộ các phần tử cực đoan bạo lực, cũng như những lời kêu gọi bạo lực trên các nền tảng công nghệ lớn và mạng xã hội. Đây chính là nguyên nhân tháng 5 vừa qua, Washington thông báo tham gia phong trào quốc tế Christchurch Call - chống lại việc phổ biến các nội dung mang tính cực đoan trực tuyến. Trước đó, cựu Tổng thống Donald Trump đã từ chối không tham gia phong trào này.
Chính quyền của Tổng thống Biden cũng cải thiện hệ thống truy tố các phần tử cực đoan thông qua việc tuyển dụng thêm các nhà phân tích, điều tra viên và công tố viên, cũng như tìm cách đảm bảo lực lượng cảnh sát và quân đội không tuyển dụng các phần tử cực đoan.
Trụ cột thứ 4 trong kế hoạch này chống lại các yếu tố làm nảy sinh khủng bố trong nước, trong đó có tình trạng bất bình đẳng kinh tế, những người bị bỏ lại phía sau bởi nền kinh tế thế kỷ 21, phân biệt chủng tộc và sự phổ biến của súng, đạn.
Trước đó, trong bài phát biểu nhậm chức ngày 20/1 vừa qua, Tổng thống Biden cam kết nước Mỹ sẽ đương đầu và đánh bại "sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực đoan chính trị, chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, khủng bố trong nước", sau một loạt vụ tấn công phân biệt chủng tộc hoặc bài Do Thái đẫm máu trong thời gian gần đây.
Tháng 3 vừa qua, phát biểu trước Quốc hội, Giám đốc FBI, ông Christopher Wray, cho biết số lượng các cuộc điều tra liên bang về "khủng bố trong nước" đã tăng gấp đôi từ 1.000 lên 2.000 kể từ khi ông nhậm chức vào năm 2017.