Theo quan chức trên, chính quyền của Tổng thống Biden sẽ sớm công bố kế hoạch này. Lý do để Washington đưa ra quyết định trên là do Chính phủ Trung Quốc đã sẵn sàng hơn đối với việc cho phép Mỹ tới thăm trực tiếp các công ty này. Việc đưa các công ty ra khỏi UVL có nghĩa các nhà xuất khẩu Mỹ không cần thẩm định bổ sung trước khi gửi hàng hóa.
Hiện chưa rõ số lượng và tên của các thực thể được đưa ra khỏi UVL lần này.
Theo giới phân tích, nếu quyết định được công bố, đây sẽ tín hiệu hợp tác giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, vốn đang mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại và công nghệ. Tuy nhiên, động thái này vẫn chưa thể khẳng định có sự "tan băng" lớn hơn trong quan hệ Mỹ-Trung. Mỹ đưa các công ty vào ULV do nước này không thể tiến hành khảo sát trực tiếp nhằm đưa ra quyết định liệu các công ty có đủ tin cậy để nhập khẩu công nghệ nhạy cảm từ Mỹ. Việc tiến hành các chuyến tham quan, khảo sát này thường phải nhận được sự cho phép của Bộ Thương mại Trung Quốc.
Tuy nhiên, trước đó 1 ngày, tờ Financial Times đưa tin chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden dự định đưa hãng sản xuất chip Yangtze Memory Technologies (YMTC) và 35 công ty khác của Trung Quốc vào "danh sách đen thương mại", theo đó cấm các công ty này mua một số linh kiện của Mỹ. Theo nguồn tin, Bộ Thương mại Mỹ sẽ bổ sung các công ty Trung Quốc trên vào cái gọi là "Danh sách các thực thể" ngay trong tuần này. Các nhà cung cấp của Mỹ phải xin giấy phép đặc biệt để vận chuyển ngay cả những sản phẩm công nghệ thấp cho các công ty bị liệt vào danh sách nói trên.
Hiện Bộ Thương mại Mỹ chưa đưa ra bình luận nào về 2 thông tin nói trên.
UVL, do Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) thuộc Bộ Thương mại Mỹ đưa ra, áp dụng cho các cá nhân, tổ chức hoặc chính phủ nước ngoài. UVL thường bị nhầm với "Danh sách thực thể". Đây là hai danh sách riêng biệt dù có nhiều điểm tương đồng. Việc một công ty có tên trong UVL không được coi là trừng phạt, nhưng gặp hạn chế nhiều mặt.