Báo Washington Post ngày 25/7 đưa tin Chính phủ Mỹ cũng lên kế hoạch bổ nhiệm một quan chức Nhà Trắng phụ trách giám sát và điều phối các nỗ lực ứng phó tình hình bùng phát dịch đậu mùa khỉ tại nước này. Tính đến ngày 22/7, Mỹ đã ghi nhận 2.891 ca đậu mùa khỉ, trong đó có hai trẻ em và đây cũng là hai ca bệnh đậu mùa khỉ lần đầu tiên được ghi nhận ở độ tuổi này. Một số chuyên gia y tế cộng đồng cảnh báo Mỹ đang đứng trước thời điểm quan trọng để kiểm soát đợt bùng phát lần này.
Theo dữ liệu từ Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ, bang New York ghi nhận nhiều ca mắc nhất, với khoảng 900 ca, tiếp đến là California với 356 ca và Florida với 247 ca. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại do khả năng xét nghiệm chưa đáp ứng đủ nhu cầu nên có thể số ca mắc trên thực tế cao hơn công bố. Hiện giới chức Mỹ đang điều tra cách thức mà 2 trẻ em, một trẻ đang độ tuổi tập đi và một trẻ sơ sinh, bị lây nhiễm bệnh.
Giáo sư Anne Rimoin, chuyên ngành dịch bệnh truyền nhiễm tại Đại học California, Los Angeles, cảnh báo nếu không đẩy mạnh các nỗ lực ngăn chặn bệnh đậu mùa khỉ trên mọi mặt trận thì nước Mỹ sẽ mất khả năng kiểm soát đợt bùng phát dịch lần này. Giới chức Mỹ đã đẩy mạnh năng lực xét nghiệm và chuẩn bị hàng chục nghìn liều vaccine để tiêm phòng cho người dân nhưng đến nay, những nỗ lực này dường như chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Chuyên gia dich bệnh truyền nhiễm tại Đại học Michigan Preeti Malani đánh giá nguồn cung dịch vụ xét nghiệm nhanh và các phương điều trị cho các bệnh nhân chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Giới chuyên gia kêu gọi Chính phủ liên bang Mỹ tăng cường phản ứng để sớm kiểm soát đợt bùng phát này.
Trước đó, ngày 23/7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ mới là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu, cấp độ cảnh báo cao nhất của cơ quan này với một đợt bùng phát dịch bệnh. Đến nay, WHO đã ghi nhận gần 17.000 ca mắc đậu mùa khỉ ở hơn 70 nước vốn chưa từng coi đậu mùa khỉ là bệnh lưu hành.