Mỹ cam kết không yêu cầu chi phí THAAD từ Hàn Quốc

Ngày 30/4, cố vấn an ninh quốc gia hai nước Mỹ và Hàn Quốc tái khẳng định không có sự thay đổi trong thỏa thuận về việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), theo đó Chính phủ Hàn Quốc cung cấp địa điểm và các phương tiện hỗ trợ, trong khi Mỹ chịu phần chi phí triển khai, vận hành và bảo trì THAAD.

Theo văn phòng tổng thống Hàn Quốc, ông H.R. McMaster, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump, và người đồng cấp Hàn Quốc Kim Kwan-jin đã tái củng cố lập trường trên trong một cuộc điện đàm. Ông McMaster khẳng định liên minh Mỹ - Hàn là ưu tiên hàng đầu của Washington tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Được biết, phía Mỹ đã chủ động đề nghị tiến hành cuộc trao đổi trên.

Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se (trái) và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (phải) tại cuộc họp khẩn về THAAD và FTA song phương ở New York ngày 28/4. Ảnh: EPA/TTXVN

Trước đó, ngày 27/4, trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters (Anh), Tổng thống Trump tuyên bố ông muốn Hàn Quốc chi trả cho việc triển khai hệ thống phòng thủ trị giá 1 tỷ USD và đã thông báo với Chính quyền Seoul về việc này. Người đứng đầu Nhà Trắng đặt ra câu hỏi tại sao nước Mỹ lại phải chịu phí tổn cho một hệ thống phòng thủ đặt tại Hàn Quốc để bảo vệ quốc gia châu Á này trước mối đe dọa tấn công từ Triều Tiên.

Phản ứng sau phát biểu của ông Trump, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc khẳng định "không có sự thay đổi trong lập trường của Hàn Quốc và Mỹ" về việc triển khai THAAD theo Thỏa thuận đóng quân Mỹ - Hàn (SOFA), theo đó Chính phủ Hàn Quốc cung cấp địa điểm và các phương tiện hỗ trợ, trong khi Mỹ chịu phần chi phí triển khai, vận hành và bảo trì THAAD.

THAAD gồm 6 bệ phóng di động, 48 thiết bị đánh chặn, 1 radar AN/TPY-2 và bộ phận kiểm soát hỏa lực và thông tin liên lạc. THAAD có khả năng đánh chặn và phá hủy tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung trong giai đoạn cuối cùng của hành trình bay.

Cũng trong ngày 27/4, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo tất cả trang thiết bị cần thiết cho việc lắp đặt THAAD đã được vận chuyển tới khu vực triển khai ở Hàn Quốc và hệ thống này có thể sẵn sàng hoạt động sau khi việc lắp đặt hoàn tất. Tuy nhiên, quân đội 2 nước không muốn thảo luận công khai về quá trình triển khai do các ứng cử viên tổng thống Hàn Quốc đang thảo luận về việc nên tiếp tục việc này hay lùi lại cho tới sau cuộc bầu cử vào ngày 9/5 tới.

TTXVN/Tin Tức
Triển khai THAAD ở Seoul có thực chất nhằm đối phó Triều Tiên?
Triển khai THAAD ở Seoul có thực chất nhằm đối phó Triều Tiên?

Rất nhiều người dân Hàn Quốc cho rằng việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Seoul không phải phòng thủ trước Triều Tiên, mà là một mối đe dọa với Nga và Trung Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN