Ngày 7/12, tờ The Diplomat (Nhật Bản) đưa tin Mỹ đã biết trước về một số động thái phóng sẵn sàng diễn ra và “có khả năng quan sát quy trình chuẩn bị của bệ phóng nơi đặt tên lửa Hwasong-15 trước đêm ngày 28/11 (giờ địa phương), gần 3 tiếng trước khi sự kiện diễn ra”.
Tên lửa liên lục địa được đặt vào bệ phóng ở Triều Tiên, chuẩn bị cho vụ phóng. Ảnh: YONHAP/ TTXVN |
Hãng Sputnik (Nga) cho biết
vụ phóng thử tên lửa diễn ra vào 3 giờ sáng ngày 29/11 có mục đích phô trương khả năng của Triều Tiên “nhả” tên lửa đạn đạo trong bóng tối và không hề cảnh báo trước.
Hãng thông tấn Reuters (Anh) dẫn tuyên bố của Triều Tiên khẳng định tên lửa mới được thử đã đạt độ cao 4.475 km và bay xa 950 km trong thời gian 53 phút rồi rơi xuống biển gần Nhật Bản. Đây được đánh giá là lần phóng tên lửa cao nhất và bay xa nhất của Triều Tiên từ trước tới nay.
Tờ Business Insider (Mỹ) nhận định các nhà quan sát thường dựa vào sự xuất hiện của một trạm quan sát dành cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un xây dựng gần bệ phóng tên lửa, để đưa ra dự đoán. Trong vụ phóng ngày 29/11 của Triều Tiên, trạm quan sát di động mới đã được sử dụng. Điều này được cho là kế hoạch của Triều Tiên nhằm qua mắt tình báo nước ngoài.
Vụ phóng thử tên lửa ngày 29/11 được đánh giá có nhiều điểm tương đồng với sự kiện thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên trong tháng 7 – đã thay đổi “truyền thống” phóng thử tên lửa vào buổi sáng đồng thời bộc lộ khả năng linh hoạt trong quy trình này của Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên theo như tờ The Diplomat thì những điều này đã không gây bất ngờ cho quân đội và cơ quan tình báo Mỹ. Phía Mỹ còn nhận ra đặc điểm rằng trong năm 2017, Triều Tiên đã đa dạng các địa điểm phóng tên lửa với những vị trí chưa từng được sử dụng trước đó như sân bay quân sự Sunan tại Bình Nhưỡng, sân bay quân sự Pukchang và thị trấn Mupyong-ni.